Gojek và Tokopedia chính thức về chung nhà, Đông Nam Á có thêm siêu startup mới
Hôm nay (17/05), hai startup lớn nhất Indonesia, Gojek và Tokopedia, chính thức công bố sẽ hợp nhất. Với động thái này, pháp nhân sau sáp nhập sẽ tạo ra một trong những công ty công nghệ lớn nhất Đông Nam Á và phục vụ nhiều dịch vụ khác nhau từ gọi xe, thanh toán số tới thương mại điện tử. Theo Nikkei, pháp nhân sau sáp nhập sẽ mang tên gọi GoTo Group.
Với diễn biến mới nói trên, cạnh tranh mảng công nghệ tiêu dùng ở Đông Nam Á lúc này sẽ là cuộc đua tam mã có sự tham gia của Sea, Grab và GoTo.
Gojek và Tokopedia đã bắt đầu đàm phán về khả năng hợp nhất từ đầu năm nay. Đàm phán được đẩy mạnh hơn vào tháng 4 khi Gojek và Tokopedia cùng xin ý kiến chấp thuận từ các cổ đông của mình. Hiện tại, Gojek và Tokopedia có chung hai cổ đông lớn là Google và Temasek.
Trong khi đó, các cổ đông khác từng đầu tư vào Gojek bao gồm Facebook, công ty quỹ tư nhân KKR và tập đoàn Indonesia Astra International. Cùng thời điểm, các cổ đông lớn nhất của Tokopedia bao gồm "ông lớn" Nhật Bản và Alibaba.
Năm ngoái, Gojek cũng đàm phán sáp nhập với Grab song thương vụ này không thành công do không tìm được tiếng nói chung về tỷ lệ phân chia cổ phần nắm giữ, Nikkei đưa tin. Kể từ thời điểm đó, Grab công bố kế hoạch IPO của riêng mình thông qua một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) ở mức định giá 39,6 tỷ USD.
Dù vậy, việc Gojek sáp nhập với Tokopedia sẽ ít bị giới chức "nhòm ngó" hơn so với thương vụ tương tự với Grab vì các mảng kinh doanh của hai công ty trùng đúp nhau ít hơn.
Quyết định sáp nhập được Gojek và Tokopedia đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh mảng công nghệ trong khu vực nóng lên, đặc biệt là khi Sea cũng bắt đầu đầu tư mạnh vào các mảng kinh doanh vốn trước đây là thế mạnh của Gojek và Tokopedia.
Theo đó, Sea, công ty công nghệ lớn nhất Đông Nam Á theo giá trị vốn hoá, đã mở rộng vào các mảng thương mại điện tử và giao đồ ăn bằng chiến lược khuyến mại mạnh mẽ. Công ty này cũng có lợi thế lớn về vốn khi tiếp cận được dòng tiền từ thị trường đại chúng.
Đến nay, với việc IPO qua SPAC, Grab cũng có thể tiếp cận được lợi thế tương tự như Sea. Cùng lúc, các đối thủ công nghệ khác như Traveloka cũng đang tính đến chuyện sớm IPO trong năm 2021.
GoTo Group nhắm đến mục tiêu IPO cả ở thị trường Mỹ và thị trường Indonesia. Nguồn tin nói với Nikkei rằng GoTo Group đặt mục tiêu định giá tương đương hoặc cao hơn so với Grab vì sở hữu mảng thương mại điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc GoTo Group sẽ hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.