Giới trẻ và những ý tưởng khởi nghiệp thiết thực
Có lẽ cụm từ khởi nghiệp không còn xa lạ trong xã hội ngày nay, không chỉ là một trào lưu, khởi nghiệp còn là cách nhiều bạn trẻ lựa chọn để thể hiện tầm nhìn, ước mơ, mong muốn tạo sự thay đổi. Nhiều bạn trẻ đã gặt hái được thành công chỉ từ những ý tưởng kinh doanh đơn giản, thiết thực đối với xã hội, con người.
Ứng dụng kết nối phòng tập Gym trên điện thoại
Khởi nghiệp từ khi khá trẻ, Nguyễn Khôi từng là du học sinh tại Mỹ ngành Kĩ sư máy tính tại Học viện công nghệ Illinois (IIT), chàng trai này trở về nước thực hiện nhiều dự án startup và đã có những thành công nhất định. Tại Mỹ, Nguyễn Khôi từng làm thực tập sinh ở công ty công nghệ lớn như VTC, IDG.
Nguyễn Khôi, Founder kiêm CEO WeFit. Ảnh: WeFit |
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Khôi trở về nước làm việc tại một dự án cho Netlink 3 tháng trước khi tự thành lập startup đầu tiên mang tên Volcano. Sau này do cơ duyên gặp các leader của Topica, Khôi quyết định tạm đóng cửa Volcano và đưa toàn bộ team gia nhập Topica, giữ vị trí giám đốc phụ trách phát triển các sản phẩm mới của Topica.
Sau 2 năm làm việc tại đây, cậu bạn 9X rời đi và thành lập công ty riêng và cho ra đời sản phẩm WeFit, một ứng dụng giúp việc tìm kiếm các phòng tập thuận tiện, dễ dàng hơn.
WeFit sẽ liên kết các phòng tập trên khắp địa bàn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thành một hệ thống. Người dùng chỉ cần mua một gói tập duy nhất của WeFit, kích hoạt ứng dụng trên smartphone để có thể trải nghiệm và tập luyện tại bất kỳ phòng tập nào trong hệ thống.
Sau 1 năm ra đời, WeFit đã có khoảng 3500 khách hàng Active trả phí, 30.000 lượt download, tăng trưởng trung bình mỗi tháng vào khoảng 30-40%. Hiện WeFit đang thử nghiệm những ứng dụng sản phẩm mới như mở thêm phần làm đẹp cho khách hàng ngoài việc tập luyện. Trong tương lai, Wefit có thể xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực lifestyle có ứng dụng công nghệ mạng online.
Ý tưởng khởi nghiệp WeFit của Khôi xuất phát từ việc nhìn thấy nhu cầu luyện tập tăng cao của người dân tại các thành phố lớn, khi mà chất lượng cuộc sống nâng cao, họ sẽ chú ý đến chăm sóc ngoại hình và sức khoẻ. WeFit xuất hiện chính là giải pháp để xử lý nhu cầu trên của khách hàng, mang mô hình kinh tế chia sẻ của Uber đang khá phát triển ở Việt Nam.
Khôi và các co-Founder đã cùng làm việc, nghiên cứu, học thêm những mô hình khởi nghiệp đã thành công trên thế giới để hình thành nên sản phẩm và đạt được thành công như hiện nay.
“Chúng ta phải xác định mục tiêu khởi nghiệp là gì, sau đó tìm hiểu, học tập một mô hình đã thành công ở nước ngoài và áp dụng tại Việt Nam một cách khéo léo. Với những mô hình đã được chứng minh ở nước ngoài, chúng ta có thể nắm được thành công”. Nguyễn Khôi chia sẻ.
“ Thế nhưng trước khi đạt được những gì của ngày hôm nay, bọn mình đã từng thất bại rất nhiều”, CEO của WeFit trải lòng. Khi tạo dựng startup Volcano, Khôi và các cộng sự chỉ có nhiệt huyết của tuổi trẻ, song lại chưa nắm vững cách để khởi nghiệp thành công ở Việt Nam.
Suốt 1 năm đầu tiên, nhóm làm những dự án nhỏ để kiếm tiền nuôi sống team, sau đó khi bắt đầu chuẩn bị nuôi dự án lớn, nhóm của Khôi lại gặp thất bại khi tạo ra một số ứng dụng, nhưng gần như không có người dùng. Sau đó nhóm tiếp tục học để trau dồi thêm kinh nghiệm và đã tìm ra cách để thành công.
Khôi cho rằng, một khi đã khởi nghiệp không thể tránh khỏi những thất bại. Điều quan trọng là khi thất bại, bạn luôn có nhóm hỗ trợ, cùng nhau chia sẻ để có động lực đứng lên tiếp tục đi trên con đường đã chọn.
Chính thất bại này đã dạy cho Khôi bản lĩnh đứng dậy nhanh chóng mà bất cứ người nào muốn làm khởi nghiệp cần có và sản phẩm ngay sau đó đã đạt được thành công. Ngoài ra, việc tìm được “sư phụ” giỏi cũng sẽ là ưu thế để giúp mình định hướng đúng con đường khởi nghiệp.
Theo CEO của WeFit, chính con người là giá trị lớn nhất của khởi nghiệp cho dù họ có ý tưởng tốt hay nguồn tài chính vững. Vì nếu có một đội ngũ làm việc tốt, người khởi nghiệp mới có thể biến được những ý tưởng trong đầu thành sản phẩm thực tiễn.
Nguyễn Khôi chia sẻ, trước khi các bạn trẻ làm khởi nghiệp nên nghĩ tới gia đình đầu tiên. Các bạn nên đặt câu hỏi là nếu từ 6 tháng đến 1 năm không có một nguồn thu nhập nào liệu bạn có thành công được không? Nếu câu trả lời là có thì bạn hãy nên khởi nghiệp. Nếu bạn vẫn còn vướng bận về tài chính sẽ rất khó để thành công. Các bạn trẻ không nên sợ đối mặt với sự thất bại, thay vào đó phải xác định làm thế nào nếu như thất bại. Những tích lũy có được sau thất bại là nhờ sự can đảm, dám đương đầu với thử thách.
Hệ thống mua vé máy bay giá rẻ tiện dụng
Khác với cậu bạn 9X khởi nghiệp, Nguyễn Văn Phong, co-Founder kiêm CEO của Atadi, lại khởi nghiệp khi tuổi đời, tuổi nghề khá vững.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành tự động hóa hàng không ở Nga, Phong về Việt Nam theo mong muốn của gia đình. Năm 2006 anh làm việc cho một công ty nước ngoài chuyên thiết kế phần mềm, sau đó làm giám đốc kỹ thuật của công ty về vi điện tử.
Nguyễn Văn Phong, co-Founder kiêm CEO Atadi. Ảnh: Atadi |
Sau khi về Việt Nam, xác định sẽ startup về lĩnh vực hàng không, anh Phong cùng với các đồng sự đã cùng nhau nghiên cứu, lên kế hoạch. “ Lúc đó mình chỉ mong mỗi người dân đều có thể mua được một chiếc vé máy bay dễ dàng và nhanh như mua một món đồ ở ngoài chợ”, anh Phong cho biết.
Sau những thất bại đầu tiên, anh không hề nản chí và rồi giấc mơ ấp ủ bao lâu nay cũng thành hiện thực khi hệ thống Atadi.vn ra đời vào năm 2013. Các nhà sáng lập của Atadi đã dành 3 năm công sức và tâm huyết để xây dựng một hệ thống thanh toán vé máy bay tiện dụng cho khách hàng.
Atadi là website phi lợi nhuận cung cấp miễn phí dịch vụ so sánh tìm kiếm vé giá rẻ. Ngoài ra, trang web này cũng cung cấp dịch vụ đặt chỗ trực tiếp trên web chính thức của các hãng hàng không bằng quy trình công nghệ tự động hóa. Sau khi đặt chỗ, khách hàng có thể chủ động thanh toán trực tiếp với các hãng hàng không bằng tất cả các phương thức thanh toán mà hãng cho phép và sở hữu tấm vé “chính chủ”.
Đến năm 2017, công ty cũng đã gặt hái được trái ngọt và theo Phong, Atadi hiện đang dẫn đầu mảng bán vé máy bay nội địa trực tuyến. Atadi dự kiến doanh thu mảng bán vé năm 2018 sẽ đạt 16 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm 30%. Bên cạnh việc tạo lập thành công mảng vé máy bay, công ty đang dần chuyển sang kinh doanh mảng mới là booking khách sạn. Trong tương lai, công ty sẽ tập trung toàn lực hướng đến phát triển mảng khách sạn gắn với một số mô hình của các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar…
Để giúp mô hình kinh doanh hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí, anh Phong nhận định ứng dụng công nghệ tích hợp linh hoạt để kết nối các đối tác trên cùng hệ thống là yếu tố then chốt cho sự thành công của OTA (đại lý du lịch trực tuyến, bán các sản phẩm dịch vụ du lịch như: phòng khách sạn, tour du lịch, vé máy bay… cho các đơn vị cung cấp dịch vụ).
Vốn xuất thân là dân kỹ thuật, CEO của Atadi cũng gặp phải khó khăn trong những ngày đầu tiên khởi nghiệp khi không có nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh, vận hành công ty hay như việc xác định khách hàng, thị trường, chiến lược phát triển. Từ những thất bại và thử thách, anh đã tự học và đứng lên để thành công.
CEO của Atadi cho rằng, một người khởi nghiệp cần hiểu rõ cơ hội đối với mình là gì, có phù hợp với khả năng của mình hay không, mức độ phù hợp đến đâu để từ đó có phương án tốt nhất. Khi đã xác định được cơ hội cho mình, người khởi nghiệp phải lập kế hoạch triển khai sớm nhất.
Anh Phong chia sẻ vì bản thân khởi nghiệp khá muộn nên nếu có điều kiện khởi nghiệp ngay khi còn trẻ là điều nên làm, song các bạn trẻ khởi nghiệp không nên quá căng thẳng, quan trọng hóa việc chúng ta cứ phải tạo công ty riêng mới là khởi nghiệp. Thay vào đó, các bạn trẻ có thể khởi nghiệp ngay ở chính công việc đang làm./.