|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giảm thuế xăng kéo theo nhiều hệ lụy tai hại: Ông Obama đã gạt đi, sao ông Biden lại muốn làm?

19:21 | 22/06/2022
Chia sẻ
Trên lý thuyết, kế hoạch giảm thuế xăng của Tổng thống Biden nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng nếu được áp dụng sẽ chỉ khiến khan hiếm nhiên liệu trầm trọng hơn, đồng thời làm ngân sách chính phủ hao hụt.

Theo CNN, vào mùa xuân năm 2008, khi giá xăng đang leo lên mức kỷ lục, các ứng cử viên Tổng thống John McCain và Hillary Clinton đã ủng hộ một đợt giảm thuế xăng. Ngược lại, Tổng thống tương lai Barack Obama bác bỏ ý tưởng này, và cho rằng đây là một "trò quảng cáo" chính trị để giành được phiếu bầu. 

"Điều dễ dàng nhất trên thế giới đối với một chính trị gia là nói cho bạn biết chính xác những gì bạn muốn nghe", Tổng thống Obama tuyên bố vào tháng 4/2008.

14 năm sau, Tổng thống Joe Biden - người từng giữ chức Phó Tổng thống dưới thời ông Obama - lại cân nhắc nghiêm túc về việc giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng đang cao kỷ lục. 

Giá xăng A87 tại Mỹ tăng mạnh kể từ cuối năm 2021.

Tổng thống Joe Biden hy vọng sẽ đạt được quyết định vào cuối tuần này về việc tạm dừng áp thuế liên bang 4,83 cent/lít xăng (khoảng 1.100 đồng/lít).

Nếu được Quốc hội thông qua, việc giảm thuế sẽ nhanh chóng giúp người tiêu dùng bớt căng thẳng trong tình hình gia xăng đang cao chót vót như hiện nay.

Chính sách giảm thuế xăng sẽ được đông đảo người dân đón nhận một cách tích cực. Động thái này cũng giúp Nhà Trắng chứng minh rằng Tổng thống Biden đang có những hành động cụ thể để giải quyết một trong những vấn đề đau đầu nhất mà hộ gia đình Mỹ phải đối mặt.

Người Mỹ đang vật lộn với giá xăng cao hơn 41% kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2. Giá xăng cao kỷ lục cũng đã góp phần gây ra lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm, buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải tăng lãi suất mạnh khiến thị trường bất ổn và rủi ro suy thoái gia tăng.

Tuy nhiên, việc đình chỉ thuế xăng sẽ cần có sự đánh đổi, và cũng là lý do tại sao Tổng thống Obama và những người khác coi động thái đó như một mánh khóe để kiếm phiếu bầu, đồng thời nhiều khả năng sẽ không được Quốc hội thông qua.

Không giải quyết được vấn đề cốt lõi

Nguyên nhân chính dẫn đến giá xăng cao là giá dầu đang đạt đỉnh.

Thứ nhất, việc giảm thuế cũng không thể khắc phục cú sốc nguồn cung. Thiếu cung mới là nguyên nhân gây tăng giá, không chỉ đối với xăng mà cả dầu diesel và nhiên liệu máy bay.

Thứ hai, động thái giảm thuế sẽ đẩy nhu cầu đi sai hướng. Việc hạ giá một cách giả tạo sẽ khuyến khích người dân mua xăng, làm giá lên cao trở lại. Có một câu ngạn ngữ cho rằng rằng giải pháp tốt nhất cho giá cao là chính là giá cao.

Ông Patrick DeHaan, Giám đốc phân tích xăng dầu tại GasBuddy cho biết: “Vào thời điểm mà cán cân cung cầu đã quá mất cân bằng, việc hạ giá chỉ giúp khiến cho người Mỹ mua nhiều xăng hơn, và càng làm trầm trọng thêm khủng hoảng”.

Việc giảm thuế cũng sẽ khuyến khích việc sử dụng xăng, đi ngược lại với các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Biden, vốn kêu gọi loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

"Tổng thống Barack Obama đã đúng. Hạ thuế xăng là một ý tưởng tồi tệ vào năm 2008 và vẫn là một ý tưởng tồi tệ vào ngày hôm nay", Thượng nghị sĩ Bernie Sanders viết trên Twitter. Như các nghị sĩ cấp tiến khác, ông Sanders đổ lỗi cho các doanh nghiệp dầu mỏ khi đang thu lợi khổng lồ.

Thêm dầu vào lửa

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, nói với CNN rằng giảm thuế xăng sẽ không hữu ích và thậm chí có thể gây ra lạm phát, buộc Fed phải tăng lãi suất mạnh mẽ hơn.

"Bạn muốn mọi người lái xe ít hơn và sử dụng ít xăng hơn còn ý tưởng của Tổng thống Biden đang đi ngược lại mục tiêu này". Ông Zandi cũng bày tỏ lo ngại rằng các công ty năng lượng có thể hưởng lợi từ đợt giảm thuế xăng.

Một vấn đề khác với kế hoạch giảm thuế xăng: Khoản thu này giúp tài trợ cho Quỹ Tín thác Xa lộ hiện đang thiếu thiếu vốn. Thuế xăng liên bang đã không được tăng kể từ năm 1993, khi xăng chỉ được bán với giá hơn 0,264 USD/lít.

Trừ khi các khoản doanh thu này được thay thế từ các nguồn khác, việc dừng đánh thuế xăng sẽ làm hao mòn nguồn lực để xây dựng và sửa chữa đường cao tốc vào thời điểm giá các dự án này đang tăng lên do chi phí vật liệu xây dựng và nhân công cao.

Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm thừa nhận vấn đề này vào cuối tuần khi bà phát biểu rằng một thách thức trong kế hoạch của Tổng thống Biden là việc thuế xăng đang "tài trợ cho các con đường."

Ông Gary Cohn, một đảng viên Đảng Dân chủ lâu năm từng là quan chức kinh tế hàng đầu dưới thời Tổng thống Trump, bày tỏ lo ngại việc miễn thuế xăng sẽ làm giảm nguồn tài trợ cho cơ sở hạ tầng, một trọng tâm chính sách quan trọng của chính quyền ông Biden.

Ông Cohn cho biết: “Những hậu quả không mong muốn của việc bỏ thuế là rất lớn. Mặc dù trông có vẻ sẽ giải quyết được các vấn đề hiện tại, nhưng theo tôi, ý tưởng này sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn”.

'Tự mình đánh bại mình'

Ông Marc Goldwein, giám đốc chính sách cấp cao tại Ủy ban Ngân sách có trách nhiệm, cho biết việc giảm thuế sẽ là một "sai lầm", một phần vì động thái này sẽ thúc đẩy nhu cầu dẫn đến tăng giá.

Ông Goldwein nói: “Ý tưởng giảm thuế xăng sẽ tự đánh bại chính nó. Động thái này không có ý nghĩa đối với giá ở trạm xăng và gây tốn kém cho chính phủ liên bang”.

Nhà kinh tế Larry Summers, cựu cố vấn của Tổng thống Obama và Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton nói rằng hành động giảm thuế xăng chỉ là "một trò quảng cáo."

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền ông Biden lại tuyên bố Tổng thống đang cân nhắc nghiêm túc xem việc giảm thuế như một lựa chọn. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết cuối tuần trước rằng kế hoạch hạ thuế xăng "chắc chắn đáng xem xét".

Nếu Tổng thống Biden và Quốc hội đi theo con đường này, họ sẽ gặp khó khăn khi chương trình hạ giá kết thúc. Ông DeHaan của GasBuddy cho biết: “Người dân sẽ không vui lắm khi giá xăng tăng lại thêm 4,83 cent/lít.

Minh Quang