|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick: Tôi thấy niềm vui và hy vọng trên từng khuôn mặt

09:18 | 26/01/2017
Chia sẻ
Năm thứ hai “ăn” Tết Nguyên đán tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã có nhiều kỷ niệm chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Nhìn lại một chút, ông có suy nghĩ gì khi biết tin mình được bổ nhiệm Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam?

Trước hết, cho phép tôi gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam vì đã cho tôi cơ hội để làm việc tại đất nước tươi đẹp này, hơn nữa là cơ hội được làm việc, tiếp xúc với những người nhiệt thành và cần cù thuộc các thành phần, dân tộc khác nhau cùng chung sống trên mảnh đất hình chữ S.

So với danh mục các chương trình, dự án của ADB tại Campuchia, nơi tôi đã làm việc trên cương vị Giám đốc Quốc gia trước khi được cử sang Việt Nam, thì quy mô hoạt động của ADB tại Việt Nam phong phú và rộng lớn hơn rất nhiều.

Tôi thấy niềm vui và hy vọng trên từng khuôn mặt, nụ cười rạng rỡ của những người dân tôi gặp trên đường phố.

Tất cả những người tiền nhiệm của tôi cũng như các cán bộ lãnh đạo của ADB đều đánh giá Việt Nam là một đất nước năng động và chú trọng vào việc tăng cường hoạt động của ADB để hỗ trợ tích cực cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quá trình phát triển.

Câu chuyện thành công đầy ấn tượng của Việt Nam trong nỗ lực xóa nghèo sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới đã làm cho tôi cảm thấy phấn khởi và háo hức.

Trước khi được bổ nhiệm vào cương vị Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, tôi đã từng đến Việt Nam vài lần trong những chuyến công tác. Nhưng mỗi lần đến Việt Nam, tôi thấy đất nước này thay đổi rất nhiều. So với những năm đầu của thập kỷ, Việt Nam đã có nhiều ô tô hơn, nhiều công trình nhà cao tầng, hệ thống giao thông tốt hơn rất nhiều…

Như mọi người đều biết, Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của ADB năm 1966 và tháng 12/2016, ADB tròn 50 tuổi. Từ khi khôi phục lại hoạt động ở Việt Nam năm 1993, ADB đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng, giảm nghèo và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sự thành lập của Cơ quan Đại diện thường trú ADB tại Việt Nam trong tháng 12/1996 là một mốc quan trọng trong quan hệ đối tác Việt Nam - ADB.

Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh và vững chắc, tạo điều kiện cho Việt Nam đạt được những tiến bộ quan trọng trong xóa nghèo.

Chúng tôi rất vinh dự được tham gia vào hành trình đáng ghi nhận của Việt Nam, từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 và có khát vọng trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao hơn trong 20 năm nữa.

Sự phát triển kinh tế - xã hội thành công và công bằng của Việt Nam là một ví dụ mà các quốc gia khác - và ngay cả ADB - có thể học hỏi.

Mỗi người trong chúng tôi, những nhân sự của ADB đều rất vui mừng và tự hào về mối quan hệ đối tác chặt chẽ, tin cậy giữa Chính phủ Việt Nam và ADB.

Bên cạnh niềm tự hào đó, chúng tôi cũng luôn ý thức rằng, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển mối quan hệ hợp tác này và thực hiện có hiệu quả hơn các chương trình dự án của ADB và các đối tác phát triển, nhằm đem lại những lợi ích thiết thực và những tác động phát triển to lớn hơn, bao trùm hơn đến với người dân Việt Nam, đặc biệt là những người dân nghèo, phụ nữ và trẻ em sinh sống tại những vùng sâu, vùng xa trong những hoàn cảnh khó khăn.

giam doc quoc gia adb tai viet nam eric sidgwick toi thay niem vui va hy vong tren tung khuon mat

Ông Eric Sidgwick

Đó là lý do khiến ông cùng các nhân sự ADB xây dựng chiến lược đối tác quốc gia mới với Việt Nam ngay sau khi nhậm chức?

Trước những thành tựu đáng ghi nhận của mỗi quan hệ đối tác Việt Nam - ADB trong suốt 20 năm qua và những thách thức mới, phức tạp hơn mà Việt Nam đang phải đối mặt, thì nhiệm vụ đầu tiên của tôi là cùng tập thể nhân sự ADB phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam xây dựng một chiến lược đối tác quốc gia mới để hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng đồng đều hơn và bền vững hơn với môi trường.

Sự phát triển kinh tế - xã hội thành công và công bằng của Việt Nam là một ví dụ mà các quốc gia khác - và ngay cả ADB - có thể học hỏi.

Chúng tôi rất vui mừng là Chiến lược đối tác quốc gia với Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ban giám đốc điều hành của ADB thông qua vào cuối tháng 9/2016.

Theo chiến lược này, chúng tôi luôn cam kết hỗ trợ nhiều ưu tiên của Chính phủ, qua đó khuyến khích tạo việc làm và tăng cường khả năng cạnh tranh, tăng cường tính bao trùm của cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, cải thiện tính bền vững về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bằng cách làm này, chúng tôi sẽ cố gắng đưa các công nghệ mới nhất, hiệu quả nhất vào trong các chương trình hỗ trợ của chúng tôi để đảm bảo các lợi ích được bền vững.

ADB sẽ duy trì mức độ hỗ trợ cho Việt Nam, trong khi áp dụng các biện pháp để cải thiện tính sẵn sàng và chất lượng các dự án sẽ được tài trợ, cũng như thực hiện có hiệu quả các dự án hiện tại. ADB cũng sẵn sàng tăng quy mô hỗ trợ nếu Chính phủ yêu cầu bổ sung các nguồn lực cho phát triển.

Có ý kiến cho rằng, kinh tế một số quốc gia trong khu vực vẫn đang phát triển thì Việt Nam lại chững lại, một số khía cạnh thậm chí còn thụt lùi. Bên cạnh đó, Việt Nam được một số người nhìn nhận không còn là điểm đến quá hấp dẫn nếu so với Myanmar. Suy nghĩ của ông về điều này như thế nào?

Rất khó để so sánh nếu không có những tiêu chí thật sự rõ ràng và căn cứ trên các số liệu phân tích đáng tin cậy. Bởi thế, tôi không nhất trí với những ý kiến đánh giá có vẻ như theo cảm tính và thiếu công bằng như vậy.

Trong năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có phần chững lại do ảnh hưởng không thuận lợi của kinh tế toàn cầu và tác động nặng nề của hạn hán và xâm ngập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Vì thế, trong Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á được công bố vào tháng 9/2016, ADB đã phải điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016 xuống 6% từ mức 6,5% đưa ra trong tháng 4/2016. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhẹ lên mức 6,3% trong năm 2017, sau khi ước đạt được mức tăng 6,21% trong năm 2016.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì tăng trưởng ở mức xung quanh 6% cũng không phải là nhỏ. Điều quan trọng hơn là kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định. Theo tôi, liên tục giữ vững xu thế tăng trưởng cũng như chất lượng tăng trưởng có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chạy theo tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng không duy trì ổn định trong những năm tiếp theo.

ADB cũng như các đối tác phát triển khác ghi nhận thành công của Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành kinh tế đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức. Sự ổn định vĩ mô là điều kiện cần thiết để Việt Nam có thể đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên năng suất.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2016, giải ngân vốn FDI đạt gần 16 tỷ USD. Phần lớn vốn này được đầu tư vào khu vực sản xuất và chế tạo, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm cho xuất khẩu, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế. Tôi tin, trong năm 2017, Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI ở mức cao. Các tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý của Việt Nam vẫn còn.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong dài hạn, Việt Nam nên tập trung vào những yếu tố nào, theo ông?

Tăng trưởng của Việt Nam cho đến nay vẫn phụ thuộc vào các “yếu tố đầu vào”, cụ thể là lao động và vốn. Hiện tại, năng suất lao động Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, do đó cần phải cải thiện, nâng cao năng suất lao động nhiều hơn nữa.

Tôi luôn trân trọng tinh thần làm việc và tính chuyên nghiệp của các cộng sự người Việt, đặc biệt họ thân thiện như trong một gia đình.

Trong suốt quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào những năm 1990, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc “cởi trói” lực lượng lao động và tăng cường đầu tư cả khu vực công và tư nhân. Nhưng những thay đổi về nhân khẩu học trong lực lượng sản xuất và khả năng huy động vốn còn hạn chế nên Việt Nam không thể tiếp tục đi theo hướng đó. Việt Nam buộc phải lựa chọn con đường đổi mới, sáng tạo.

Để nền kinh tế Việt Nam trở thành một nền kinh tế đổi mới, sáng tạo, cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn về tư duy xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và thu hút nhân tài.

Ở tầm vĩ mô, cần chú trọng hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách cho đào tạo nhân lực, phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động. Cần có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi công nghệ cũng như khuyến khích sáng tạo. Mặt khác, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong nước liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp và các cá nhân tham gia vào lực lượng lao động cần được khuyến khích nhưng cũng cần chủ động tìm kiếm những giải pháp công nghệ tốt nhất, tích cực cơ cấu lại sản xuất, cũng như nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nhất là kiến thức về quản trị doanh nghiệp.

Ông có thể chia sẻ những dự cảm về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm mới 2017?

Năm 2016 đã khép lại và chúng ta đều có thể cảm nhận được đà tăng trưởng đang dần trở lại. Việt Nam cũng đã lập được kỷ lục về số lượng hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhờ vào chỉ đạo sát sao của Chính phủ và tinh thần doanh nhân được khích lệ trong các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp.

Hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới là một con số rất có ý nghĩa, vì đây chính là một lực lượng lớn tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo nhiều việc làm và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam được dự báo tích cực hơn trong năm 2017. Lĩnh vực thương mại được kỳ vọng rất khả quan. Bên cạnh những sản phẩm xuất khẩu điện tử công nghệ cao và tiêu dùng, sản xuất nông nghiệp phục hồi và sự gia tăng trong giá cả một số mặt hàng nông nghiệp tại các thị trường mới sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ hơn. Về FDI, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện với không ít thách thức lớn, bao gồm những ảnh hưởng bất lợi từ môi trường kinh tế toàn cầu, những thách thức trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, vấn đề kiểm soát chi tiêu công và nợ công, những vấn đề trong xử lý nợ xấu, những rủi ro do tiến độ cải cách, tái cơ cấu kinh tế và cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm chạp.

Mặc dù vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam trong năm 2017 và những năm tới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng như các đối tác phát triển đặt niềm tin vào những cam kết mạnh mẽ của một Chính phủ hành động và kiến tạo như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói.

Thủ tướng cũng đã đưa ra những định hướng lớn và cụ thể nhằm mục tiêu tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo tăng trưởng và phát triển công bằng và bao trùm, không ai bị tụt lại phía sau, như Thủ tướng đã nêu tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam đầu tháng 12/2016.

Ông và gia đình chuẩn bị đón Tết Nguyên đán của Việt Nam như thế nào?

Đây là cái Tết thứ hai đối với tôi và gia đình ở Việt Nam. Tuy không có những công việc chuẩn bị để đón Tết như các gia đình Việt, nhưng cả gia đình tôi đều cảm nhận được không khí rất náo nức. Khắp nơi rực rỡ sắc hoa, cửa hàng, cửa hiệu trang hoàng lộng lẫy, người người rộn ràng đi mua sắm.

Ở cơ quan, với hơn một nửa nhân sự là người Việt, chúng tôi đặt một cây đào thật lớn tại sảnh ra vào, giống như người châu Âu có cây thông trong dịp Noel, để mọi người cảm thấy ấm áp hơn với không khí đón Tết.

Cơ quan cũng tổ chức buổi liên hoan cuối năm mà người Việt gọi là lễ Tất niên. Gia đình tôi được chung vui trong buổi liên hoan cuối năm rất đầm ấm, với nhiều món ăn đặc trưng của ngày Tết Việt Nam.

Tôi luôn trân trọng tinh thần làm việc và tính chuyên nghiệp của các cộng sự người Việt, đặc biệt họ thân thiện như trong một gia đình. Qua họ, tôi hiểu được cái Tết có ý nghĩa như thế nào trong đời sống người Việt Nam.

Mặc dù đã được hưởng những ngày nghỉ trong dịp Giáng sinh và Tết dương lịch, cả nhà tôi vẫn cảm thấy rất vui và chia sẻ cùng tất cả mọi người không khí Tết cổ truyền ngập tràn trên khắp phố phường. Tôi thấy niềm vui và hy vọng trên từng khuôn mặt, nụ cười rạng rỡ của những người dân tôi gặp trên đường phố.

Hồng Dung

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.