Giám đốc phân tích SSI: Vốn ngoại, Luật Đầu tư công, Luật Chứng khoán sửa đổi kì vọng tạo bước chuyển mới cho thị trường
Hai tháng hồi phục ấn tượng của Chứng khoán Việt Nam
Chỉ còn một phiên giao dịch nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khép lại tháng 5 hồi phục ấn tượng, phá tan hiệu ứng "Sell in May". Theo đó, thị trường ghi nhận hai tháng tăng điểm liên tiếp kể từ khi tạo đáy vào cuối tháng 3.
Tính đến phiên 27/5, VN-Index tăng 29,43% so với cuối tháng 3, HNX-Index và UPCoM -Index tăng 17,55% và 15,05%. Sự hồi phục mạnh nhất được ghi nhận tại nhóm vốn hóa lớn, đẩy VN30-Index dẫn đầu đà tăng với 31,21%.
Diễn biến các chỉ số thị trường trong 2 tháng gần đây.
Với những gì đã diễn ra trong hai tháng qua, Việt Nam nằm trong nhóm thị trường tăng mạnh nhất khu vực. Khác với những "con sóng" lớn trong giai đoạn 2016 – 2018 khi khối ngoại rót vốn hàng tỉ USD vào thị trường, đợt hồi phục lần này được hỗ trợ lớn từ dòng vốn nội.
Trong giai đoạn thị trường giảm sâu do tác động của dịch COVID-19, nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 3 và 4 ghi nhận mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.
Nói về dòng vốn nội, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (Mã: SSI) đánh giá: "Việc dòng tiền mới từ nhà đầu tư trong nước tham gia mua bắt đáy cổ phiếu thể hiện niềm tin tưởng và sự kì vọng vào việc dịch bệnh sẽ sớm được kiềm chế tại Việt Nam và triển vọng dài hạn của nền kinh tế".
Công bằng để nói rằng, việc dòng tiền lớn gia nhập khi thị trường bị định giá thấp giai đoạn qua phần nào cho thấy chuyển biến tích cực về nền tảng của giới đầu tư trong nước. Nhà đầu tư đã hành động bình tĩnh hơn, không xảy ra hiện tượng bán tháo hàng chục phiên liên tiếp như thời kì thị trường chịu tác động của khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.
"Nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam hiện đã có trình độ cao hơn, chuyên nghiệp hơn trước đây. Có nhiều hơn các nhà đầu tư theo trường phái cơ bản, dài hạn", bà Hoàng Việt Phương nói thêm.
Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục vào quí 3 và 4
Trở lại diễn biến của thị trường, sau giai đoạn hồi phục, nhiều mã vốn hóa lớn nhóm Ngân hàng, Bất động sản trở về vùng giá ngang bằng so với thời điểm trước khi giảm sâu do tác động của dịch COVID-19. Thậm chí, nhóm Bất động sản Khu công nghiệp tăng giá cao hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng nổ.
Theo thống kê của người viết, 152 cổ phiếu trên HOSE có thị giá cao hơn so với thời điểm Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt (9/3), trong đó có một số mã vốn hóa lớn như CTD, SAB, PAN, HPG, VNM, KDC…
Nhưng dù có sự ngang bằng về giá nhưng rõ ràng là sức khỏe của doanh nghiệp có sự giảm đi khi tác động của dịch COVID-19 đang "ngấm" dần.
Phân tích về mặt bằng giá, theo bà Hoàng Việt Phương, tính đến thời điểm hiện tại, mức P/E quá khứ của VN-Index đạt 14.1x, vẫn chưa trở lại mức đầu năm trong bối cảnh dự kiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp sẽ có sự sụt giảm.
"Chúng tôi dự báo rằng điểm rơi lợi nhuận sẽ là quí 2/2020, khi lợi nhuận nhiều doanh nghiệp sẽ giảm mạnh nhất trong năm (trừ ngành ngân hàng do tác động của việc tái cơ cấu nợ). Trong quý 3 và 4, lợi nhuận có thể sẽ hồi phục dần khi nền kinh tế mở cửa trở lại từ đầu tháng 5", Giám đốc Phân tích SSI đưa ra nhận định.
COVID-19 đang "ngấm" dần vào doanh nghiệp, thị trường có thể tăng nửa cuối năm?
Phân tích về triển vọng thị trường từ khía cạnh vĩ mô, theo bà Hoàng Việt Phương, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh COVID-19 với thiệt hại rất thấp về sức khỏe và tính mạng con người.
"Chúng ta cũng đã sớm thực hiện khôi phục các hoạt động kinh tế. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn về phát triển kinh tế nhờ xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc, cùng với việc Hiệp định EVFTA mới được phê duyệt".
Về thị trường chứng khoán, xét về các giải pháp, hiện Việt Nam đã có thêm nhiều chỉ số ETF để thu hút vốn ngoại vào các cổ phiếu tốt hết "room" ngoại như các quỹ FinLead ETF, Diamond ETF.
Ngoài ra, Luật Đầu tư Công và Luật Chứng khoán sửa đổi cũng được kì vọng tạo ra những bước chuyển mới cho thị trường. Tất cả các yếu tố này khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn đối với dòng vốn ngoại, Giám đốc Phân tích SSI cho biết.
Thông tin thêm, nhà đầu tư ngoại đã giảm mạnh bán ròng trong 2 tuần trở lại đây. Đồng thời cũng mua ròng khoảng 850 tỉ đồng với chứng chỉ 2 quỹ Diamond ETF và Finlead ETF.