Nhiều tiềm năng phát triển, ETF nội sẽ giải 'cơn khát' tiền của TTCK Việt Nam?
Ra mắt thêm các rổ chỉ số - tiền đề phát triển ETF mới
Tháng 11/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) chính thức ra mắt ba bộ chỉ số mới gồm Vietnam Diamond Index (VNDiamond), Vietnam Leading Financial Index (VNFin Lead) và Vietnam Financial Select Sector Index (VNFin Select).
Trong đó, VNDiamond là rổ chỉ số bao gồm các cổ phiếu bị hạn chế về "room" với khối ngoại. Các mã được chọn vào rổ VN Diamond có vốn hóa lớn hơn 2.000 tỉ đồng như FPT, MWG, CTG, MBB, VPB…
Rổ chỉ số VNFin Lead gồm các cổ phiếu nhóm ngành tài chính, chứng khoán, bảo hiểm gồm các mã hàng đầu trong ngành như BID, BVH, SSI, MBB, VCB, VPB…
Sau khi ra mắt ba bộ chỉ số mới, hàng loạt các quĩ ngoại và công ty chứng khoán đưa ra nhận định đây là lực hút mới của dòng tiền vào thị trường thông qua các ETF. Điều này còn giải quyết điểm nghẽn đối với các cổ phiếu hết "room" khối ngoại trên thị trường.
Công bằng để nói rằng, trước thời điểm ban hành rổ chỉ số mới, các ETF trên TTCK Việt Nam chủ yếu mô phỏng các rổ chỉ số quen thuộc như VN30, VNX50, hoặc MSCI. Sự thiếu vắng các chỉ số cho các ETF dẫn đến nhóm đầu tư chuyên nghiệp đặc biệt là khối ngoại bị bó hẹp về lựa chọn.
Nhiều dư địa để phát triển ETF trên TTCK Việt Nam
Nói về tiềm năng phát triển ETF tại Việt Nam, theo dữ liệu người viết tổng hợp vào cuối tháng 2/2020, thị trường chỉ có hai ETF nội là VFMVN30 (tham chiếu VN30-Index) và SSIAM VNX50 (tham chiếu VNX50-Index).Ngoài racòn có 5 ETF ngoại khác như FTSE ETF, VNM ETF, Premia MSCI Vietnam ETF, iShare MSCI Vietnam ETF và KIM ETF.
So sánh với các thị trường khác, con số 7 ETF trên TTCK Việt Nam thời điểm đó còn rất hạn chế so với Thái Lan (17 ETF), Malaysia (12 ETF), Indonesia (31 ETF). Thậm chí tại các thị trường phát triển khu vực châu Á, số lượng ETF có thể lên tới hàng trăm ETF với qui mô tài sản hàng chục tỉ USD. Điển hình, TTCK Đài Loan có 45 ETF thởi điểm cuối tháng 2 với quy mô gần 10,5 tỉ USD. Điều này càng cho thấy thêm tiềm năng phát triển ETF mới tại Việt Nam.
Với tiềm năng phát triển và việc ra đời các rổ chỉ số mới, hàng loạt các ETF được ra mắt trên TTCK Việt Nam trong 3 tháng gần đây. Cụ thể, ngày 18/3, quĩ hoán đổi ETF SSIAM VNFin Lead do Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) chính thức niêm yết trên HOSE với mã FUESSVFL. Đây là ETF được thành lập dựa trên rổ chỉ số VNFin Lead.
Khác biệt với các ETF thành lập trước đây, ETF SSIAM VNFin Lead là ETF đầu tiên trên TTCK Việt Nam mô phỏng rổ chỉ số theo ngành cụ thể.
Sau khi ra mắt ETF mới được hơn 2 tháng, một sản phẩm khác của SSIAM là ETF SSIAM VN30 (tham chiếu VN30) được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán ra công chúng. Như vậy, SSIAM sẽ quản lí 3 ETF và trở thành đơn vị cung cấp nhiều quĩ hoán đổi nhất trên TTCK Việt Nam thời điểm hiện tại.
Cùng với SSIAM, đầu tháng 5, CTCP Quản lí Quĩ đầu tư Việt Nam (VFM) niêm yết ETF VFMVN Diamond (FUEVFVND) trên HOSE. ETF này tham chiếu theo chỉ số VN Diamond. Theo đó, VFM cung cấp hai ETF là VFMVN30 và VFMVN Diamond.
ETF mới liên tục tăng qui mô từ những ngày đầu hoạt động
Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp
Sau bước "chạy đà" của SSIAM và VFM, một thông tin tích cực là sự tăng trưởng qui mô nhanh chóng của hai ETF mới này.
Cụ thể, tính đến ngày 25/5, tổng số lượng chứng chỉ quĩ niêm yết của ETF SSIAM VNFin Lead (FUESSVFL) là 41,7 triệu ccq, tương đương tổng giá trị chứng khoán niêm yết là 417 tỉ đồng. Như vậy, qui mô của ETF này tăng gần 60% kể từ khi đi vào hoạt động.
Cùng với đó, qui mô của ETF VFMVN Diamond (FUEVFVND) cũng tăng gấp hơn 5 lần chỉ trong thời gian ngắn ra mắt.
Tổng cộng hai ETF này đã gia tăng qui mô thêm hơn 610 tỉ đồng sau hơn 2 tháng vận hành. Trong tương lai xa hơn, sự kì vọng vào những ETF nội thu hút nguồn vốn trên thị trường để giải quyết các điểm nghẽn về dòng tiền như các quĩ ngoại hay các công ty chứng khoán kì vọng trước đó là có cơ sở.
Giải pháp nào để phát triển các ETF nội trên TTCK Việt Nam
Trong bối cảnh, TTCK Việt Nam đang sôi động trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát với thanh khoản bình quân 6.000 – 7.000 tỉ đồng mỗi phiên thì câu chuyện dòng tiền vào thị trường là điều đáng quan tâm. Để sự ổn định của dòng tiền thị trường được duy trì, thì các tổ chức (quĩ đầu tư, công ty chứng khoán) hay các ETF đóng vai lớn.
Vậy làm gì để thu hút thêm nhà đầu tư với sản phẩm ETF, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc ETF của SSIAM.
Theo ông Hạnh, với sản phẩm ETF nhà đầu tư có công cụ futures (tương lai – PV) để hedge (phòng ngừa rủi ro – PV) danh mụckhi thị trường đi xuống nên giảm thiểu được rủi ro tốt hơn so với sản phẩm chỉ một chiều mua.
"Nhìn chung thị trường ETF đang phát triển trên phạm vi toàn cầu và hứa hẹn sẽ vẫn là kênh huy độngvốn vào Việt Nam trong thời gian tới đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài không có sự hiểu biết đặc biệt rõ với từng cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường chứng khoán Việt Nam", Giám đốc ETF của SSIAM đưa ra nhận định.
Cũng theo chia sẻ từ đại điện SSIAM, các nghiệp vụ giao dịch chênh lệch giá cũng giúp nhà đầu tư trở lên ưa thích thị trườngViệt Nam khi có khoảng chênh lệch giá (gap) khá cao trên thị trường so với các thị trường kháchầu như không còn gap để nhà đầu tư kiếm lời.
Bàn về giải pháp thu hút hơn nữa nhà đầu tư với các ETF, "thời gian tới chúng ta nên tiếp tục đẩy mạnh các công cụ ETF, mở rộng giới hạn hedging cho các quĩ đầu tư và nhà đầu tư tổ chức thay vì chỉ cho các nhà đầu tư cá nhân thoải mái giao dịch futures (tương lai – PV) trong khi các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp lại gặp nhiều hạn chế khi đầu tư vào futures như hiện nay", Giám đốc ETF của SSIAM khuyến nghị.