|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải quyết điểm nghẽn cho nông sản vào vụ - Bài 1: Thiếu nhân công thu hoạch, sơ chế

06:39 | 03/08/2021
Chia sẻ
Vụ thu hoạch lúa Hè Thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và trái cây tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp.

Vụ thu hoạch lúa Hè Thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và trái cây tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp. 

Để giải quyết điểm nghẽn này, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt trong việc điều phối hoạt động thu hoạch của ngành nông nghiệp địa phương, các doanh nghiệp cũng cần được “tiếp sức” về cơ chế và nguồn lực một cách kịp thời.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã lây lan nhanh tại các tỉnh phía Nam và đang tạo ra áp lực rất lớn lên vùng sản xuất lúa gạo và trái cây lớn nhất cả nước. 

Theo đó, để kiểm soát, các địa phương phải siết chặt quy định phòng chống dịch; trong đó, hạn chế việc di chuyển và yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ” đang khiến việc thu hoạch, tiêu thụ vụ lúa Hè Thu và một lượng lớn trái cây gặp khó khăn.

Lúa “mắc kẹt” ngoài đồng

Theo số liệu của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản xuất lúa vụ Hè Thu tại các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ trên 1,5 triệu ha, đến cuối tháng 7 cũng đã thu hoạch được 620 nghìn ha. 

Dự kiến trong tháng 8 sẽ có 700 nghìn ha lúa được thu hoạch tại các tỉnh phía Nam, đạt sản lượng 3,8 triệu tấn gạo. Diện tích còn lại tiếp tục thu hoạch và kết thúc vào giữa tháng 9 với tổng sản lượng cả vụ khoảng 8,6 triệu tấn.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, địa phương hiện đang có 150 nghìn ha lúa Hè Thu đến ngày thu hoạch. 

Tuy nhiên, do thiếu nhân công gặt và thương lái thu mua nên chưa thu hoạch được. Ngoài ra, Long An cũng có 100 nghìn tấn nếp hiện tiêu thụ khó, giá xuống thấp.

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, nhân công thu hoạch và thương lái thu mua lúa chủ yếu từ các tỉnh lân cận. Song, do đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội nên việc di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác gặp khó khăn, thương lái ngại đi. 

Trong khi đó, các nhà may xay xát trên địa bàn cũng gặp khó khăn do không đủ nhân công làm việc dẫn đến sản lượng mua vào giảm.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển An Giang cho hay, vụ lúa Hè Thu 2021, An Giang sản xuất 228,5 nghìn ha và đến cuối tháng 7 mới thu hoạch khoảng 40% diện tích. Tháng 8 này sẽ là thời điểm thu hoạch rộ với trên 105 nghìn ha và đầu tháng 9 còn khoảng trên 30 nghìn ha.

Theo ông Trương Kiến Thọ, đang vào vụ thu hoạch chính lúa Hè Thu nhưng các kho dự trữ lúa gạo trên địa bàn đang giảm công suất mua vào do không có đủ nhân công xử lý. Lao động tại các nhà máy xay xát cũng không muốn thực hiện “3 tại chỗ” nên người dân cũng phải giãn tiến độ thu hoạch hoặc phải tự phơi, sấy.

“Do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, An Giang đã áp dụng quy định hạn chế người dân ra đường từ 18h hôm trước đến 6 giờ hôm sau. 

Điều này dẫn đến nhiều thương lái chấp nhận bỏ cọc, không đến thu mua lúa ở những khu vực giáp với tỉnh Kiên Giang và vùng biên giới với Campuchia vì đi xa không kịp về trong ngày. Thêm vào đó, tâm lý lo sợ dịch bệnh cũng khiến phần đông thương lái tạm nghỉ để phòng chống dịch”, ông Thọ nêu thực trạng.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, việc thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng rất lớn tới việc thu mua lúa của công ty. 

Tại nhiều tỉnh có quy định cấm các ghe qua lại giữa các tỉnh, nên tại nhiều khu vực đã ký kết bao tiêu, công ty buộc phải thuê lò sấy và kho chứa ngay tại nơi thu hoạch. Việc này làm phát sinh thêm chi phí so với việc doanh nghiệp tự đi thu hoạch, phơi khô và đưa về kho của công ty từ 200-300 đồng/kg lúa.

Theo đó, tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Vrice đã ký kết bao tiêu 250 ha lúa Hè Thu, nhưng mới chỉ thu hoạch được khoảng 135 ha do thiếu nhân công. Theo yêu cầu của địa phương, Vrice đã triển khai phương án “3 tại chỗ”, song chỉ có 15 người chấp nhận ở lại, tương đương 1/4 số nhân công.

Tương tự, tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc công ty bày tỏ, phương án “3 tại chỗ” của công ty cũng chỉ nhận được sự tham gia của 30% số công nhân. 

Thêm vào đó, chi phí thuê ghe tăng mạnh so với bình thường, có nơi tăng gấp đôi. Trong khi đó, diện tích thu mua của công ty nằm rải rác ở nhiều tỉnh khác nhau như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… khiến tiến độ thu mua lúa rất chậm.

Trái cây cũng gặp khó

Về trái cây, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt cho biết, trong tháng 8, các tỉnh miền Tây sẽ thu hoạch khoảng 640 nghìn tấn. Hiện nay, nhu cầu cần kết nối, tiêu thụ các loại trái cây như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít là rất lớn.

Theo ông Tùng, việc thu hoạch, tiêu thụ trái cây những tháng trước tương đối tốt nhưng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Thời điểm từ tháng 5-8 tháng hàng năm, toàn bộ cây ăn trái phía Nam là trái vụ nên sản lượng không nhiều. Việc dư thừa tại chỗ là do thiếu nhân công thu hoạch và ách tắc trong vận chuyển.

Thêm vào đó, do dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến người dân địa phương chỉ tập trung tích trữ lương thực, thực phẩm và giảm tiêu thụ trái cây. Tuy nhiên, nhu cầu thu mua trái cây xuất khẩu vẫn lớn nhưng gặp khó trong thu hoạch và vận chuyển.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre thông tin, Bến Tre hiện đang có trên 1.400 tấn nhãn đã chín và một lượng khá lớn dưa hấu cần tìm nơi tiêu thụ. Ngoài ra, vụ thu hoạch dừa cũng sắp bắt đầu và cần lực lượng nhân công có kỹ năng, kinh nghiệp hái và sơ chế dừa.

“Đối với các loại trái cây xuất khẩu cần thu hoạch đúng thời điểm và lao động có kỹ thuật mới đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.  

Tuy nhiên hiện nay, ngoài việc nhiều nhân công tại chỗ nghỉ làm do lo ngại dịch bệnh, lượng lao động ngoài tỉnh khó di chuyển đến thì việc giới hạn thời gian ra đường cũng khiến việc thu hoạch trái cây chậm hơn so với thời vụ”, ông Huỳnh Quang Đức chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, thông thường nhân viên công ty sẽ bắt đầu tiến hành thu hoạch trái cây tại vườn từ 4 giờ sáng, đến khoảng 6 giờ rưỡi sáng đưa hàng về sơ chế đến khoảng 22 giờ, trái cây sẽ được vận chuyển đi trong đêm để sáng sớm hôm sau kịp đến cảng ở Tp. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo quy định phòng chống dịch của các địa phương, hiện nay 6 giờ sáng người lao động mới bắt đầu được ra ngoài để đi thu hoạch và tới 18 giờ chiều đã phải về nhà. 

Tại mỗi khu vực, số lượng nhân công làm việc cùng thời điểm cũng bị hạn chế để đảm bảo giãn cách khiến cho sản lượng thu hoạch và sơ chế trái cây đạt rất thấp, chỉ bằng từ 20-30% so với trước đây.

Theo ông Tùng, trái cây tươi xuất khẩu có đặc thù là hái về phải xử lý ngay mới đảm bảo độ tươi ngon. 

Nhưng hiện nay, sản lượng thu hoạch, sơ chế mỗi ngày quá ít, không đủ để đóng container hàng, còn nếu chờ dồn cho đủ lô hàng thì chất lượng bị giảm sút đáng kể, "tính toán đường nào thì doanh nghiệp cũng bị thiệt hại".

Xuân Anh