Giá vàng tăng nóng báo hiệu kinh tế thế giới nguội lạnh
Thời gian đầu đại dịch COVID-19, giá vàng có lúc rơi tự do. Đây là hiện tượng khá lạ thường vì các biện pháp phong tỏa đang châm ngòi cho một đợt suy thoái trầm trọng hiếm thấy trong lịch sử kinh tế thế giới và lẽ ra tài sản trú ẩn an toàn như vàng phải tăng giá.
Hóa ra sự sụt giảm ban đầu của giá vàng chỉ là "động tác giả", một trong những cú lừa vĩ đại nhất các thị trường tài chính hiện đại. Đại dịch năm 2020 sẽ sớm chứng tỏ mình là động lực thúc đẩy đợt tăng trưởng ngoạn mục của vàng.
Tính đến phiên 27/7, giá vàng đã vọt lên mức 1.931,5 USD/ounce, tăng 32% so với đáy hồi tháng 3 và vượt qua đỉnh đỉnh lịch sử thiết lập hồi năm 2011.
Đại dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu với những tài sản được cho là an toàn như vàng lên cao không ngừng. Nhà đầu tư lo ngại các chính phủ sẽ tiếp tục áp lệnh phong tỏa để chống dịch, các chính trị gia thông qua những gói kích thích kinh tế mới và các ngân hàng trung ương tiếp tục in tiền vô tội vạ để chi tiêu.
Lợi suất trái phiếu thực giảm xuống âm, đồng USD mất giá so với euro và yen Nhật, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi cũng là những nhân tố khiến nhà đầu tư ưa thích vàng hơn.
Tất cả những lí do trên, khi kết hợp lại với nhau, thậm chí còn khiến một số người trong ngành tài chính lo tình trạng tăng trưởng thấp đi kèm lạm phát cao có thể lan rộng ở khắp các nước phát triển.
Ở Mỹ, khi đại dịch vẫn đang lan rộng và quá trình hồi phục kinh tế chững lại, những lo lắng này ngày càng trở nên hiện hữu.
Động lực chính của đợt tăng giá vàng hiện nay là "lãi suất thực liên tục giảm và không có dấu hiệu gì sẽ ngừng lại", ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp của hãng dịch vụ tài chính Oanda Corp, trao đổi với Bloomberg.
Vàng cũng thu hút các nhà đầu tư "lo ngại rằng lạm phát kèm đình trệ sẽ thắng thế, buộc Fed phải tiếp tục nới lỏng chính sách", ông Edward Moya nói thêm.
Lợi suất thực của trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục giảm thấp cũng đẩy nhà đầu tư về phía vàng để trú ẩn. Nếu cầm trái phiếu với lợi suất thực âm, nhà đầu tư chắc chắn sẽ mất tiền.
Cơn điên vàng hiện nay đã lan tràn từ Phố Wall sang Phố Main, tức là từ hệ thống tài chính ra nền kinh tế thực.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã giúp các quĩ ETF vàng có tuần đi lên thứ 18 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2006. Trong khi đó, tính đến cuối tuần trước, vàng đã có tuần tăng giá thứ 7 liên tục và các nhà phân tích dự báo đà đi lên còn lâu mới dứt.
"Khi lãi suất bằng 0 hoặc gần 0, vàng trở thành sản phẩm hấp dẫn", ông Mark Mobius – đồng sáng lập công ty đầu tư Mobius Capital Partners nói với Bloomberg. "Hiện giờ tôi đang mua vàng và sẽ tiếp tục mua".
Từ nhiều tháng nay, các nhà phân tích đã dự đoán giá vàng sẽ nhảy vọt. Hồi tháng 4/2020, Bank of America nhận định vàng có thể đạt mức giá mục tiêu 3.000 USD/ounce sau 18 tháng nữa. Giá vàng hiện nay vào khoảng 1.930 USD/ounce.
"Đại dịch COVID-19 toàn cầu là chất xúc tác rất tích cực cho giá vàng", ông Francisco Blanch – Giám đốc nghiên cứu hàng hóa và phái sinh của Bank of America nói hôm thứ Sáu tuần trước (24/7).
"Thêm vào đó, GDP của Trung Quốc đang ngày càng tiến gần đến mức của Mỹ, một phần nhờ vào sự khác biệt trong diễn biến dịch bệnh ở hai nước. Từ đây, sự chuyển dịch địa chính trị to lớn có thể sẽ diễn ra, ủng hộ cho mục tiêu 3.000 USD/ounce trong 18 tháng tới mà chúng tôi đưa ra".
Bank of America dự báo mức giá 3.000 USD sau khi giá vàng có đợt sụt giảm hồi tháng 3 vì nhà đầu tư bán vàng để bù lỗi cho các khoản đầu tư rủi ro hơn. Giá vàng nhanh chóng hồi phục sau khi Fed bất ngờ hạ lãi suất chính sách và ra tín hiệu rằng thiệt hại kinh tế mà COVID-19 gây ra sẽ kéo theo các gói kích thích khổng lồ từ chính phủ và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên vàng được trợ lực bởi các gói kích thích của ngân hàng trung ương. Từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, Fed mua vào 2.300 tỉ USD chứng khoán nợ và giữ cho lãi suất gần 0% để thúc đẩy tăng trưởng, giá vàng nhờ thế mà lập đỉnh 1.921 USD/ounce vào tháng 9/2011.
Ông Afshin Nabavi – Giám đốc giao dịch tại tập đoàn Thụy Sỹ MKS PAMP Group dự báo giá vàng đang tiến gần đến 2.000 USD/ounce. Cuộc khủng hoảng hơn 10 năm về trước tập trung vào ngành ngân hàng, "lần này, thú thật là không biết đến khi nào cơn bĩ cực mới qua đi".