|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu đã chạm đáy chưa?

16:42 | 04/11/2022
Chia sẻ
Một số chuyên gia cho rằng, nhiều đại lý trước đó đẩy mạnh "cắt lỗ" mặt hàng tiêu để có tiền mua cà phê khi vụ thu hoạch đang tới. Hàng tồn kho tiêu còn lại rất ít nên áp lực bán ra sẽ không còn và giá tiêu khó lòng giảm tiếp

Giá tiêu chạm đáy 18 tháng vì áp lực nhu cầu yếu

Sau khi giảm hơn 10% trong quý II, giá tiêu trong nước tiếp tục giảm thêm 8 – 8,5% trong quý III xuống còn 63.500 – 66.000 đồng/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. 

Đà giảm giá được cho là vẫn chưa dừng lại, những ngày đầu tháng 11, giá hồ tiêu trong nước xuống 56.500 - 59.000 đồng/kg, trong bối cảnh xuất khẩu giảm và thị trường đang có dấu hiệu xả hàng nhằm thu hồi vốn phục vụ cho sản xuất vụ cà phê đang đến gần. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá tiêu giảm khoảng 30%.

 H.Mĩ tổng hợp

Cục Xuất nhập khẩu cho biết áp lực tỷ giá USD/VND tăng mạnh khiến người trồng đẩy mạnh bán ra. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu giảm sút. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong quý III đạt 51,6 nghìn tấn, trị giá 213 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 31,8% về trị giá so với quý II. Con số này thấp hơn 12,5% về lượng và 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 174,5 nghìn tấn, trị giá 770,4 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Thị trường Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu. Lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường này đã giảm đến 68% (tương ứng 24.917 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11.820 tấn trong 9 tháng năm nay.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu khoảng hơn 7.000 tấn tiêu trong 9 tháng đầu năm, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Số liệu: Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Trong 9 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đạt 4.414 USD/tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9, giá xuất khẩu tiêu đạt bình quân 4.099 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng kể từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu tiêu đã giảm gần 13%. 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ đối mặt với khó khăn trong thời gian tới. Giá hạt tiêu toàn cầu có thể biến động theo xu hướng giảm trong thời gian tới.

Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống, lạm phát tăng cao dẫn tới việc thắt chặt chi tiêu của người dân ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng không thực sự thiết yếu giảm. Giá hạt tiêu sẽ biến động theo xu hướng giảm khi mà suy thoái kinh tế thế giới được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023. 

Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu tiêu cho cuối năm?

Một số nguồn tin cho rằng thị trường xuất hiện tín hiệu lạc quan khi Trung Quốc tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuối năm. 

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, thị trường Trung Quốc hiện vẫn là ẩn số lớn bởi sau khi Đại hội Đảng kết thúc, vẫn chưa có tín hiệu nước này nới lỏng chính sách Zero COVID. 

"Chúng tôi chưa nắm được thông tin Trung Quốc có đang tăng cường nhập khẩu tiêu để phục vụ cho cuối năm hay không. Đôi khi những thông tin như này chỉ là tin đồn. Thị trường Trung Quốc hiện rất khó đoán", bà Liên cho biết.

Bà Liên cho rằng các doanh nghiệp cần cẩn trọng quan sát thị trường bởi hiện tại tiêu cũng như mặt hàng nông sản khác bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu, lạm phát cao, nhiều nước tăng lãi suất. 

"Thời điểm này rất khó đoán định về giá tiêu trong quý IV và năm 2023", bà Liên nói.  

Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá tiêu hiện tại khó lòng giảm sâu hơn nữa vì hàng tồn kho đã dần cạn kiệt.

"Trước đó, nhiều đại lý đẩy mạnh "cắt lỗ" mặt hàng tiêu để có tiền mua cà phê khi vụ thu hoạch đang tới. Hàng tồn kho tiêu còn lại rất ít nên áp lực bán ra sẽ không còn và giá tiêu khó lòng giảm tiếp", ông Bính nói.

Tuy nhiên, theo vị này, vẫn tồn tại rủi ro có thể đẩy giá tiêu xuống hơn nữa là tình hình kinh tế toàn cầu trong quý I vẫn chưa thể cải thiện. Trong khi đó, thời điểm này cũng là lúc Việt Nam thu hoạch, áp lực nguồn cung lớn. 

"Nếu kinh tế toàn cầu vẫn ở chiều hướng xấu như hiện tại trong quý I, giá tiêu có thể về mốc 50.000 đồng/kg. Nhưng ở chiều ngược lại, khi kinh tế phục hồi và Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID, giá tiêu sẽ phục hồi bởi tồn kho các thị trường nhập khẩu cũng dần cạn trong khi mức giá hiện tại khá hấp dẫn", ông Bính nói thêm. 

Một số doanh nghiệp tỏ ra kém lạc quan trước triển vọng giá tiêu trong thời gian tới. Trao đổi với người viết ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh dự báo giá tiêu trong thời gian tới có thể dần tiến về mức 50.000 đồng/kg dưới áp lực của nhu cầu thấp và những bất ổn về tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới. 

Theo ông Thông thị trường tiêu đang chịu áp lực bởi lạm phát cao khiến nhu cầu giảm sút. Bên cạnh đó, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc - một trong những thị trường tiêu thụ tiêu lớn nhất của Việt Nam, giảm mạnh do ảnh hưởng bởi các chính sách phòng dịch COVID-19.

 

H.Mĩ