|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường hồ tiêu tháng 8/2022: Đối mặt với nhiều khó khăn, giá tiêu tiếp tục lao dốc

14:40 | 24/09/2022
Chia sẻ
Từ đầu tháng 8 đến nay giá tiêu trong nước và thế giới liên tục giảm sâu do nhu cầu thế giới chưa có sự cải thiện, áp lực cạnh tranh gia tăng khi Brazil hạ sâu giá tiêu để thanh lý hàng vụ cũ.

Để đẩy mạnh thanh lý hàng vụ cũ, Brazil đã hạ giá tiêu đen xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm ngoái với chỉ 2.850 USD/tấn. Đây cũng là mức giá thấp nhất trên thị trường quốc tế.

Giá tiêu đen của Việt Namheo đó cũng lao dốc xuống còn 3.350 – 3.600 USD/tấn trong nửa đầu tháng 9, tương ứng giảm 2,7 – 2,9% so với cuối tháng trước. 

Còn tại trong nước, sau khi giảm mạnh 4.000 đồng/kg trong tháng 8, giá tiêu đen đã giảm thêm 1.500 – 2.000 đồng/kg trong nửa đầu tháng 9, xuống chỉ còn 66.000 – 68.000 đồng/kg - mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái.

Ngoài sức ép đến từ tiêu Brazil, một số nguyên nhân khác khiến giá tiêu trong nước giảm là vụ cà phê sắp đến nên một số đại lý cần bán tiêu để thu mua cà phê, người mua Trung Quốc ngừng mua và trì hoãn thời gian giao hàng, đồng USD tiếp tục mạnh lên.

Chúng tôi cho rằng thị trường hồ tiêu trong nước có thể tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới, lý do là bởi Trung Quốc- thị trường tiêu thụ hồ tiêu hàng đầu của nước ta đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước hai sự kiện quan trọng trong tháng 10 là Quốc khánh và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy mọi biến động về nhu cầu hồ tiêu của thị trường này nếu có cũng sẽ chỉ diễn ra sau tháng 10. 

Diễn biến giá tiêu trong nước từ đầu năm đến 15/9/2022. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, hiện nay ngành tiêu đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Điển hình như, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn.

Đáng chú ý, hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang Ai Cập và Pakistan đang khó khăn trong thanh toán. Hàng đã tới nơi nhưng bị “treo” lại vài tháng, chưa biết khi nào mới được thanh toán. Các doanh nghiệp đang phải chịu phí lưu container tại bãi.

VPA đề nghị Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ kiểm tra thông tin doanh nghiệp cũng như ngân hàng có ngoại tệ để thanh toán hay không; đồng thời làm việc với hải quan nước bạn nhằm hỗ trợ trong trường hợp cần thiết (bởi theo quy định hàng lưu tại bãi quá 3 tháng có thể sẽ bị đấu giá).

Còn theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, Ai Cập đang phải điều tiết nhập khẩu để đảm bảo nguồn ngoại tệ phục vụ cho nhập khẩu hàng hóa thiết yếu và nguyên liệu sản xuất trong lúc tỷ giá đồng Bảng Ai Cập so với USD tăng cao và tình trạng lạm phát giá đặc biệt giá thực phẩm.

Các ngân hàng thiếu ngoại tệ dẫn đến chậm thanh toán ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập bắt đầu từ tháng 7.

Đồng thời Thương vụ cũng khuyến nghị các hiệp hội phối hợp trao đổi thông tin với Thương vụ về các trường hợp doanh nghiệp thành viên gặp khó khăn khi xuất khẩu vào Ai Cập trong giai đoạn hiện nay cũng như cung cấp danh sách các công ty có năng lực xuất khẩu sang thị trường

Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Pakistan đang đứng trên bờ vực vỡ nợ quốc gia vì vậy Chính phủ quốc gia này tìm mọi cách hạn chế nhập khẩu.

Năm ngoái, Pakistan và Ai Cập đứng thứ 6 và thứ 7 về thị trường xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam với khối lượng là 10.065 tấn và 9.178 tấn.
 
 Xem chi tiết báo cáo hồ tiêu tháng 8/2022 tại đây:

Hoàng Hiệp - Thiết kế: Đức Bùi