|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường hồ tiêu tháng 7/2022: Dự báo giá tiếp tục giảm cho đến hết quý III

14:35 | 31/08/2022
Chia sẻ
Trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8 xu hướng chủ đạo của giá tiêu thế giới và trong nước vẫn tiếp tục giảm. Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho rằng thị trường tiếp tục nằm trong vùng giảm giá trong quý III năm nay, khi thế giới tiếp tục đối mặt với sự suy giảm nhu cầu và thâm hụt chuyển sang tồn kho dư thừa, đồng tiền mất giá, lạm phát và nhu cầu tiêu dùng thấp

IPC  cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc đã quay trở lại mua tiêu nhưng điều này có thể không đủ để thúc đẩy thị trường do Brazil và Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch trong năm 2022. IPC kỳ vọng thị trường hồ tiêu sẽ ổn định và tăng lên trong tháng 11 và tháng 12/2022.

Tại thị trường trong nước, giá tiêu tiếp tục có nhiều biến động. Tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giá tiêu đen nhân xô đã có thời điểm giảm xuống còn 66.500 – 70.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong hơn một năm. Tuy nhiên, trong khoảng 10 ngày cuối tháng giá đã tăng mạnh trở lại và leo lên mức 70.500 – 74.000 đồng/kg.

Mặc dù vậy xu hướng phục hồi cũng không kéo dài lâu khi nhanh chóng giảm lại về mốc 69.000 – 72.000 đồng/kg vào giữa tháng 8.

 Diễn biến giá tiêu trong nước từ đầu năm 2022 đến 15/8/2022. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Nhu cầu yếu vẫn là yếu tố kìm hãm sự phục hồi của giá tiêu trong nước. Sức cầu của thị trường đang đối mặt với nguy cơ giảm sút khi lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, hai thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của nước ta.

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất trong thời gian gần đây để kiềm chế lạm phát khiến đồng USD chảy ngược vào Mỹ và tăng giá so với các đồng tiền khác. Điều này dẫn đến nhiều quốc gia bị thiếu USD và buộc phải hạn chế ngoại tệ đối với nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, trong đó có hồ tiêu. Pakistan và Ai Cập, vốn là thị trường xuất khẩu tiêu lớn của Việt Nam trong những năm gần đây đang gặp phải tình trạng này.

Trong khi đó, chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc cũng góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hồ tiêu.

Một yếu tố khác gây áp lực lên tiêu nội địa là đầu năm nay các đại lý cho rằng giá cà phê sẽ ổn định, còn hồ tiêu sẽ tăng mạnh nên đem cà phê bán gom tiền trữ tiêu. Nhưng hiện nay giá cà phê tăng mạnh lên mức cao nhất trong 6-7 năm qua, điều này buộc các đại lý buộc phải xả bớt tiêu để thanh toán cho những người gửi cà phê chốt giá.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của nước ta giảm mạnh 20,8% (tương đương 37.822 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn144.176 tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu tăng 8,2% lên mức 639,8 triệu USD nhờ giá cao hơn.

Trong đó, xuất khẩu hồ tiêu sang hầu hết thị trường tiêu thụ lớn của nước ta như: Mỹ, Trung Quốc, UAE, Pakistan, Ai Cập… đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất chiếm 25% thị phần. Nhưng so với cùng kỳ lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường này đã giảm 7,4%, xuống còn 36.042 tấn.

Ngoài ra, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Pakistan cũng giảm mạnh 60,3%, xuống còn 3.474 tấn; Ai Cập giảm 54,7%, đạt 1.837 tấn…

Đáng chú ý, theo số liệu của VPA, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đã giảm đến 79,5% (tương ứng 26.560 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 6.836 tấn. Đáng chú ý, sau khi tăng mạnh trong tháng 6 xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc đã chững lại và giảm 59% trong tháng 7, chỉ đạt 1.227 tấn.

Ngược lại, xuất khẩu tiêu sang các thị trường Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan… tăng trưởng ở mức 2 con số.

Xem chi tiết báo cáo hồ tiêu tháng 7/2022 tại đây:  

 

 

Hoàng Hiệp - Thiết kế: Alex Chu