|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường hồ tiêu quý II/2022: Sức mua giảm sút, thị trường đối mặt với tương lai bất định

08:02 | 24/07/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga – Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, trong khi những lo ngại về làn sóng COVID-19 mới trên toàn cầu cũng như chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hồ tiêu. Điều này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.

Thương mại hồ tiêu toàn cầu trong nửa đầu năm nay ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng xuất khẩu của các nhà cung cấp hàng đầu như Việt Nam, Brazil, Indonesia giảm lần lượt là 19,7%, 17% và 16%.

Trong bối cảnh đó, giá tiêu đen xuất khẩu tại các nước sản xuất chính tính đến cuối tháng 6/2022 đã giảm 8 – 16% so với đầu năm và giảm khoảng 4 – 10% so với cùng kỳ năm ngoái.    

Nguyên nhân là bởi thị trường hàng hóa nói chung và hồ tiêu nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực bởi cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, nỗi lo lạm phát lan rộng trên toàn cầu, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Điều này đẩy đồng USD lên cao, trong khi đó, Trung Quốc lại kiên trì với chính sách Zero COVID khiến việc tiêu thụ hồ tiêu bị ngưng trệ. 

Diễn biến xuất khẩu hồ tiêu của một số nước trong năm 2022. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Tại trong nước, trái ngược với những dự đoán lạc quan đầu vụ về năng suất giảm, các nước mở cửa sau COVID-19, Việt Nam được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do... giá hồ tiêu liên tiếp lao dốc từ đầu năm 2022 đến nay.

Tính đến cuối tháng 6, giá tiêu đen nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động ở mức 69.000 – 72.000 đồng/kg, giảm 12-13% (tương đương 10.000 – 10.500 đồng/kg) so với trên dưới 80.000 đồng/kg hồi đầu năm nay.

Giá tiêu giảm đã bào mòn lợi nhuận của người nông dân trồng tiêu trong bối cảnh chi phí sản xuất như giá phân bón, xăng dầu, nhân công… đều tăng cao.

Hiện thị trường hồ tiêu toàn cầu đang khá trầm lắng do người mua và người bán vẫn tỏ ra thận trọng trong một thị trường bị chi phối bởi sự bất ổn kinh tế và lạm phát.

Động lực để giá hồ tiêu cuối năm nay ở mức cao hơn năm ngoái đang dần bị triệt tiêu. Thông thường giá cả chủ yếu phụ thuộc vào cung – cầu, năm nay nhu cầu giảm là yếu tố chính dẫn đến sự đi xuống của giá cả.

Đặc biệt là tại khu vực châu Á khi nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm đáng kể, trong khi nguồn cung vụ mùa mới từ Brazil và Indonesia đang tiếp tục bổ sung vào thị trường.

Theo các chuyên gia, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga – Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, trong khi những lo ngại về làn sóng COVID-19 mới trên toàn cầu cũng như chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại Trung Quốc góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường hồ tiêu. Điều này dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.

Lạm phát tăng đang đẩy lãi suất lên cao khiến người mua càng phải thận trọng hơn. Nhà chế biến gia vị của Mỹ McCormick, báo cáo rằng lạm phát toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến tiêu thụ gia vị.

Lợi nhuận gộp của công ty giảm 15% so với cùng kỳ xuống còn 523 triệu USD trong quý 2 năm 2022. Phân khúc người tiêu dùng tác động đến sụt giảm này là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Xem chi tiết báo cáo hồ tiêu quý II/2022 tại đây:  

Hoàng Hiệp - Thiết kế: Alex Chu