Giá thịt heo hơi tăng 'điên cuồng', sườn non có nơi lên tới 280 ngàn/kg
Giá thịt heo tăng từng ngày và không có dấu hiệu chững lại. Ảnh: N.M
Theo ghi nhận, giá thịt heo hơi tại Hưng Yên đã lên tới 90.000 đồng/kg; Tuyên Quang, Hà Nội tăng mạnh lên 85.000 - 87.000 đồng/kg. Tại Hà Nam, Bắc Giang, giá thịt heo hơi đạt mức 88.000 - 89.000 đồng/kg. Tại Chương Mỹ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Lạng Sơn, giá dao động ở mức 86.000 - 88.000 đồng/kg.
Lợn hơi tại Nam Định, Lào Cai được thu mua trong khoảng 83.000 - 85.000 đồng/kg. Công ty chăn nuôi lợn CP miền Bắc tiếp tục thông báo điều chỉnh giá thịt heo tăng thêm 1.000 đồng/kg so với hôm trước.
Giá lợn giống tại khu vực cũng đang ở mức cao, khoảng 2,3 - 2,7 triệu đồng/con loại 7 - 8 kg.
Giá lợn hơi tăng khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng thịt heo bán lẻ tại chợ truyền thống đến siêu thị sẽ tiếp tục tăng theo trong thời gian sắp tới.
Thậm chí, tại một cửa hàng của hệ thống S.B, báo giá niêm yết cho thấy giá sườn non ở đây lên tới mức 280.000 đồng/kg, mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo các trang trại chăn nuôi, nguồn cung thịt heo giảm dần do dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt heo hơi tại các trại tăng mạnh. Bên cạnh đó, các trang trại đề nghị các cơ quan chức năng quản lý chặt cửa khẩu biên giới Tây Nam để chặn lợn nhập lậu từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là bình ổn thị trường thịt heo như thế nào trong những tháng cuối năm? Theo Bộ Công Thương, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ về khả năng thiếu 200.000 tấn thịt heo dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình bình ổn hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt heo. Đây là vấn đề được Bộ đặc biệt quan tâm không chỉ trước Tết, trong Tết mà còn sau Tết.
Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12 đảm bảo cung cầu mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng thịt heo. Thực hiện chỉ thị, Bộ Công Thương đã đề nghị các tập đoàn, tổng công ty sản xuất, phân phối chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để đủ phục vụ bà con trước, trong và sau Tết.
Riêng đối với mặt hàng thịt heo, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi và căn cứ vào các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến để phân tích nhu cầu tiêu dùng tại địa bàn, từ đó có những giải pháp cân đối, đưa ra những chỉ đạo kịp thời về nguồn cung.
Về việc đảm bảo thực phẩm, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị phân phối chuẩn bị sẵn các mặt hàng như: thủy sản, thức ăn gia cầm, trứng, trâu bò... để bù đắp cho việc thiếu mặt hàng thịt heo.