Anh tham gia CPTPP, Việt Nam được hưởng lợi gì?
Ngày 15/12, Vương quốc Anh đã chính thức gia nhập Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với sự gia nhập của Anh, số lượng thành viên của CPTPP đạt đến con số 12, bao gồm các thành viên đã tham gia trước đó là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Sau khi Anh gia nhập, CPTPP sẽ đóng góp khoảng 15% GDP toàn cầu.
Anh cam kết sẽ mở cửa đối với 6 lĩnh vực, bao gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, mua sắm của chính phủ, dịch vụ tài chính và doanh nghiệp nhà nước.
Tương tự như với 10 thành viên CPTPP khác, Việt Nam tiếp tục ký với Vương quốc Anh 5 thư song phương về các lĩnh vực lao động – công đoàn, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính với cùng nội dung như các thư đã ký trước đây. Đặc biệt, Anh đã ký thư gửi Việt Nam xác nhận các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường...
Thêm cơ hội mở rộng xuất khẩu
Việt Nam sẽ được hưởng lợi sau khi Anh tham gia CPTPP, trong đó lợi ích trực tiếp nhất là việc giúp doanh nghiệp có thêm các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam.
Việc gia nhập CPTPP của Anh sẽ thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai bên; cùng đó tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lên đến 900 tỷ bảng Anh.
Trong đó,Việt Nam đã đạt được thỏa thuận theo hướng Anh sẽ mở thêm việc tiếp cận thị trường cho Việt Nam ngoài các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đã có, đặc biệt ngành thủy sản.
Đánh giá về sự kiện này, các chuyên gia từ Ngân hàng HSBC cho rằng, thoả thuận này ghi dấu một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa Anh với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi tạo ra hơn một nửa giá trị tăng trưởng toàn cầu.
Với Việt Nam, năm 2023, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác đều sụt giảm, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh lại tăng 11%. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tiếp tục tăng 19,5% so với năm ngoái.
Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc thực thi Hiệp định CPTPP. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Canada, Autralia và giờ là Anh.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP ở châu Mỹ tăng vọt 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên 13,6 tỷ USD năm 2023.
Cùng kỳ, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD lên 11,7 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam tại các thị trường này cũng tăng gần gấp ba lần từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD.
Bước vào năm 2025, với sự gia nhập của Anh vào CPTPP, cùng với Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Anh đang có hiệu lực, cộng thêm tất cả các yếu tố cơ bản vững chắc đang có, kinh tế Việt Nam tiếp tục nổi bật trong khu vực, mang đến nhiều cơ hội thương mại ưu đãi hơn cho các đối tác trên toàn cầu.
Nâng tầm chiến lược CPTPP
Một yếu tố gián tiếp mà Việt Nam được hưởng lợi khi Anh tham gia CPTPP là sự lớn mạnh của Hiệp định này, bởi với việc Anh gia nhập, các thành viên của CPTPP sẽ đóng góp 15% GDP toàn cầu, tương đương 12.000 tỷ bảng Anh.
Điều này giúp CPTPP trở thành khối có tầm quan trọng chiến lược. Trong đó, việc Việt Nam là một thành viên trong CPTPP mang tính toàn cầu, không chỉ từ góc độ kinh tế và thương mại, mà còn từ góc độ chính trị và chiến lược.
Cùng với việc gia nhập CPTPP, Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều đó rất thuận lợi cho Việt Nam trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn so với hiện nay.
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, tăng trưởng thương mại của Việt Nam vào các nước thành viên mới của CPTPP đạt được tăng trưởng cao. Mặc dù, một số thành viên khác có xuất khẩu giảm nhưng việc giảm là do khó khăn chung của kinh tế thế giới, do giảm tổng cầu, giá cả hàng hóa gia tăng, lạm phát ở nhiều nước khiến nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước giảm.