|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP: Xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP có thể duy trì đà tăng trong nửa cuối năm

15:29 | 11/07/2024
Chia sẻ
VASEP dự báo, nửa cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP sẽ tiếp đà tăng của 6 tháng đầu năm khi giá cả và nhu cầu đang dần ổn định. Các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, nghiên cứu những lợi ích mà hiệp định này mang lại về mặt thuế quan để nắm bắt thời cơ, gia tăng xuất khẩu.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩuu Thuỷ sản (VASEP) dẫn số liệu mới nhất của Hải quan Việt Nam, nhờ tận dụng tối ưu Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tính đến ngày 15/6, lũy kế xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đạt 114 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện, Mexico là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam với giá trị 31 triệu USD, tăng 7%. Tiếp đó là các nước như: Nhật Bản với 18 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước; Canada nhập khẩu 18 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023; Singapore với 16 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP dự báo, nửa cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP sẽ tiếp đà tăng của 6 tháng đầu năm khi giá cả và nhu cầu đang dần ổn định. Các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, nghiên cứu những lợi ích mà hiệp định này mang lại về mặt thuế quan để nắm bắt thời cơ, gia tăng xuất khẩu.

Thực tế, hiệp định CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019 nhưng phải sau 5 năm thực thi, FTA thế hệ mới này đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP.

Sau giai đoạn đại dịch Covid – 19, năm 2023 được coi là năm chật vật với xuất khẩu cá tra và CPTPP. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu thực tế so với các thị trường khác, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang CPTPP vẫn ở mức chấp nhận được trong tình hình sụt giảm chung.

Theo VASEP, trong năm 2023, xuất khẩu cá tra sang Canada đạt 37 triệu USD, giảm 34% so với năm 2022, và thậm chí là giảm 22% so với năm 2018 - năm trước khi FTA có hiệu lực. Trước đó, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Canada đạt 56 triệu USD, tăng 17% so với năm 2018.

Dù là ngành hàng khó đạt được cam kết mở cửa, nhưng trong CPTPP, các đối tác cơ bản xóa bỏ và cắt giảm thuế về 0% ngay khi FTA có hiệu lực với hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Khối thị trường này chủ yếu tiêu thụ phile cá tra đông lạnh từ Việt Nam. Theo VASEP, số liệu Hải quan mới đây cho biết, 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu sản phẩm này sang khối CPTPP đạt gần 89 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 87% tỷ trọng, và chiếm 15% trong tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm phile cá tra đông lạnh Việt Nam sang các thị trường.

 Nguồn:  Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP).

Tính đến hết tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra cắt khúc nguyên con đông lạnh/nguyên con xẻ bướm, bong bóng cá tra,... mã HS 03 (trừ cá mã HS 0304) đạt 9 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ, chiếm 9% tỷ trọng, và chiếm 7% trong tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường.

Xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang khối CPTPP đạt gần 5 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 5% tỷ trọng và chiếm 37% trong tổng cá tra giá trị gia tăng Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường.

Theo Tổng Cục Thủy sản, không chỉ tại khối thị trường CPTPP, hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ duy trì triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2024 với loạt yếu tố hỗ trợ nhu cầu phục hồi.

Việc Mỹ và EU tiếp tục siết chặt nhập khẩu thuỷ hải sản từ Nga đang mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam. Mặt khác, nhu cầu cá tra tại Trung Quốc kỳ vọng sẽ được cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của nước này thẩm thấu.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ kết quả kiểm tra sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hồi tháng 9/2023.

Đáng chú ý, giá cá tra của Việt Nam còn được thúc đẩy từ việc thiếu hụt nguồn cung. Những bất lợi về giá cả, dịch bệnh trên vật nuôi và thời tiết bất lợi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến tỷ lệ hao hụt cá giống tăng lên, tác động tiêu cực đến nguồn cung cá giống. Trong khi chu kỳ nuôi cá tra thường kéo dài từ 6 - 8 tháng.

Tổng Cục Thủy sản dự kiến, nguồn cung cá tra sẽ duy trì ở mức thấp trong cả năm 2024 khiến giá có thể tiếp tục tăng. Với loạt yếu tố này, hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS) dự báo giá cá tra xuất khẩu bình quân sang thị trường Mỹ trong năm 2024 sẽ tăng 10% so với năm 2023.

 

Hồng Nhung

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.