Băng tần 700 MHz có giá khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng
Trong thông báo ngày 25/12, Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang tìm tổ chức để thực hiện đấu giá ba tài sản là khối băng tần B1-B1’ (703-713 MHz và 758-768 MHz), khối B2-B2’ (713-723 MHz và 768-778 MHz), khối B3-B3’ (723-733 MHz và 778-788 MHz).
Các khối này "được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số". Chúng có giá khởi điểm cùng là 1.955.613.000.000 đồng, cho giấy phép sử dụng trong 15 năm.
Cục chưa thông tin về thời gian đấu giá, nhưng cho biết việc nhận hồ sơ của đơn vị tổ chức đấu giá sẽ diễn ra ngày 25-27/12.
Những khối trên thuộc nhóm băng tần thấp, từng được sử dụng trong truyền hình tương tự (analog), nhưng đã được giải phóng từ năm 2020 khi Việt Nam chuyển sang truyền hình số mặt đất.
Đặc tính kỹ thuật của nhóm băng tần này là tốc độ truyền thấp hơn băng tần cao, bù lại độ phủ rộng hơn. Nếu triển khai trong lĩnh vực viễn thông, nhà mạng có thể phủ sóng rộng với mỗi trạm và tiết kiệm được số trạm cần triển khai. So sánh với khối băng tần 2500-2600 MHz hay 3700-3800 MHz mà các nhà mạng đang thương mại hóa, tần số 700 MHz có thể có độ phủ rộng gấp chục lần.
Cục Tần số vô tuyến điện đánh giá quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT "đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông, tác động tích cực đến xã hội", khi các mạng như 4G, 5G có thể được phát triển, phủ rộng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi.
Theo báo cáo của GSA tháng 6/2022, có 205 nhà mạng đã đầu tư xây dựng mạng LTE trong băng tần 700 MHz, trong đó 74 nhà mạng trong số đó đã triển khai 4G LTE hoặc 5G thương mại.
Trước đó, trong các cuộc đấu giá vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, ba nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã trúng đấu giá ba khối băng tần B1 (2500-2600 MHz), C2 (3700-3800 MHz), C3 (3800-3900 MHz) với tổng số tiền hơn 12.500 tỷ đồng.