Người dân đổ về siêu thị mua sắm ngày 27 Tết
Sáng 27 tháng Chạp (26/1), các chuỗi siêu thị lớn như MM Mega Market, Co.opmart, WinMart, Go! nhộn nhịp đón hàng nghìn lượt khách. Nhiều người tranh thủ mua sắm các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2025.
Tại TP HCM, ông Thành, cư dân quận Bình Thạnh, cho biết tối hôm qua đã ghé siêu thị nhưng quá đông, không thể chọn được gì nên sáng nay phải đi sớm. "Năm nay, nhiều mặt hàng thiết yếu giảm giá, gia đình tôi đã mua thêm những món ngoài kế hoạch", ông nói.
Chị Nguyễn Hạnh cùng chồng và con trai có mặt ở siêu thị WinMart Gò Vấp, từ 9h sáng, nói mất hơn 2 giờ mới chọn đủ các mặt hàng cần thiết như thực phẩm, sữa, bánh chưng... Các quầy bánh kẹo, trái cây là đông đúc nhất, khiến việc lựa chọn khó khăn hơn bình thường.
Đại diện WinMart cho biết sức mua tại hệ thống đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn so với ngày thường, các mặt hàng như bánh kẹo tăng 85%, rượu bia và nước giải khát tăng 100%. Thực phẩm tươi sống gồm thịt cá, rau, củ, quả, và thực phẩm đông lạnh cũng được khách hàng ưu tiên để chuẩn bị cho các bữa ăn Tết.
Tương tự, đại diện Saigon Co.op ghi nhận lượng khách tại TP HCM hôm nay tăng gấp đôi so với ngày thường. Tại các chi nhánh ở Nha Trang, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Cần Thơ, Tam Kỳ... sức mua tăng gấp 3-4 lần do người lao động về quê mua sắm Tết tại địa phương.
Ngoài ra, hầu hết siêu thị đều tung chương trình khuyến mãi lớn, giảm giá từ 10-50%, tặng quà hoặc áp dụng chính sách mua 1 tặng 1. Các lễ hội trái cây, thực phẩm tại siêu thị cũng góp phần thúc đẩy sức mua tăng so với ngày thường.
Ngoài siêu thị, các chợ truyền thống tại TP HCM cũng rất sôi động, đặc biệt tại các khu chợ lớn như Bà Chiểu, Tân Định và Bình Tây. Sức mua tăng rõ rệt từ sáng sớm với các mặt hàng thực phẩm tươi sống và đặc sản Tết. Tuy nhiên, giá cả tại chợ không có ưu đãi và tăng đáng kể so với ngày thường.
Cụ thể, giá thịt heo tăng từ 5-50% tùy loại, nạc nọng heo lên đến 230.000 đồng một kg, heo quay 300.000 đồng một kg. Cá thu, bớp, cá hồi cũng tăng thêm 50.000-100.000 đồng một kg, dao động trong khoảng 300.000-400.000 đồng một kg. Dù giá tăng cao, các mặt hàng này vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng để chuẩn bị các bữa tiệc Tết truyền thống.
Tại Hà Nội, lượng khách đến siêu thị vào đầu buổi sáng ghi nhận ít hơn so với hôm qua. Nguyên nhân do sáng nay, thời tiết chuyển sang mưa, lạnh và một phần người dân đã rời thủ đô về quê ăn Tết. Tới 9h, thời tiết đẹp dần, người dân tiếp tục đổ tới siêu thị để mua sắm các mặt hàng thiết yếu.
Lúc 11h, tại siêu thị Go! Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội), rất đông khách hàng chen kín các lối đi, xếp hàng dài chờ thanh toán. Tất cả hơn 70 quầy thu ngân của siêu thị đều được mở, để phục vụ khách hàng thanh toán.
Một nhân viên tại đây cho biết khách hàng tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau củ quả, trái cây, trong đó nhiều loại quả nhập khẩu như táo, cherry, cam, quýt, nho đang được mua sắm nhiều.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Go! Thăng Long, từ 23 tháng Chạp đến nay, lượng khách đến siêu thị này trung bình mỗi ngày tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Chốt ngày hôm qua, họ ghi nhận 26.000 lượt khách tới thăm quan, mua sắm với số lượng hóa đơn mua hàng xuất ra 16.000-17.000.
Đại diện nhiều chuỗi siêu thị nhìn nhận sức mua năm nay có cải thiện so với năm ngoái. Do đó, các nhà bán lẻ này đều có phương án tăng cường dự trữ nguồn cung.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm vào cao điểm dịp Tết này, các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, trái cây, thực phẩm cũng được Go! Thăng Long tăng cường. Cùng với đó, siêu thị này cũng đẩy mạnh bán hàng qua App, giao hàng tới 12 giờ trưa ngày 30 Tết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội, cho biết siêu thị này chuẩn bị lượng hàng nhiều hơn khoảng 30% so với năm ngoái. Nhưng hôm qua (26 tháng Chạp), nhiều loại hàng hóa cơ bản "gần như đã hết sạch".
"Chúng tôi đã lên phương án trước với nhà cung cấp nên các mặt hàng này đều được bổ sung ngay sau đó, đảm bảo đủ hàng để phục vụ nhu cầu khách hàng", bà cho biết.
Tại các chợ dân sinh Ngọc Hà (quận Ba Đình), Thổ Quan (Đống Đa), khu vực Vĩnh Tuy, người dân đi mua sắm tăng dần từ ngày 26 tháng Chạp, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, trái cây, bánh chưng, bánh kẹo... Sức mua tăng lên nhưng nguồn cung dồi dào, vì vậy giá cả tương đối ổn định, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá, theo báo cáo của Cục quản lý giá (Bộ Tài chính).
Chẳng hạn, giá hoa đào năm nay tăng do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, nguồn đào từ Nhật Tân không có, chủ yếu đào tại địa phương. Loại hoa này đang được bán với giá khoảng 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng một chậu, 30.000-250.000 một cành.
Trong khi đó, các mặt hàng rau xanh không biến động lớn do thời tiết trước Tết ấm, thuận lợi cộng với nguồn cung dồi dào. Cụ thể, cà chua khoảng 10.000-15.000 đồng một kg, bắp cải 10.000-15.000 đồng, súp lơ xanh 5.000-10.000 đồng, lơ trắng 10.000-15.000đồng một cái.
Với mặt hàng hoa, quả, chuối thắp hương tăng so với mọi năm do nguồn cung hạn chế. Các mặt hàng khác cơ bản tăng giá từ 5-15% so với ngày thường do nhu cầu tăng như thanh long 45.000-50.000 đồng một kg, cam sành 30.000-35.000 đồng một kg, hoa dơn 60.000-70.000 đồng một chục.