Dự báo giá heo hơi ngày 26/12: Chưa có dấu hiệu ổn định
Giá heo hơi tại miền Nam đạt 68.000 đồng/kg
Sau nhiều ngày giữ đà tăng nhanh, giá heo hơi miền Bắc đồng loạt chững lại trong phiên sáng nay. Theo đó, heo hơi tại khu vực này đang được bán ra trong khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg, với mức 69.000 đồng/kg được ghi nhận tại: Hà Nội, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nam Định.
Giá heo hơi khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng tăng nhẹ tại vài nơi. Cụ thể, heo hơi tại Đắk Lắk lên giá 68.000 đồng/kg, cùng giá với Thanh Hoá; Khánh Hoà nhích nhẹ một giá, đạt 65.000 đồng/kg. Hiện tại, các tỉnh miền Trung đang mua bán heo hơi trong khoảng 64.000 - 68.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi miền Nam cùng chiều điều chỉnh đi lên tại Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng đạt 68.000 đồng/kg. Đây hiện cũng là mức giao dịch cao nhất khu vực. Tại các địa phương còn lại trong vùng, giá heo hơi đang dao động từ 63.000 - 67.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay tiếp đà tăng nhẹ tại miền Nam và miền Trung, miền Bắc tạm chững giá. Theo khảo sát, heo hơi trên cả nước đang có giá dao động từ 63.000 - 69.000 đồng/kg.
Các chuyên gia dự báo giá heo hơi ngày mai có thể tiếp tục điều chỉnh tại một số khu vực do thị trường cuối năm có xu hướng đi lên.
Thái Nguyên tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Thái Nguyên hiện là một trong 5 địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 1.200 trang trại và hàng chục nghìn nông hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, theo Báo Thái Nguyên.
Hiện nay, công tác quản lý kiểm soát chất thải trong chăn nuôi nông hộ, trang trại quy mô nhỏ và vừa tại các địa phương trong tỉnh được đánh giá là đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều chương trình giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững và từng bước đem lại môi trường trong lành cho khu vực nông thôn, miền núi.
Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã tổ chức trên 60 lớp tập huấn tại các huyện, xã để tập huấn cho người dân nắm được việc chăn nuôi trên các địa bàn cũng như việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh, tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn về môi trường và thực hiện theo.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện áp dụng việc hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi quy mô hộ nông hộ quy mô vừa để thực hiện hỗ trợ về đệm lót sinh học, hỗ trợ về thực hiện tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt là thực hiện xây dựng các vùng cơ sở an toàn dịch bệnh, hỗ trợ theo tiêu chuẩn của Nghị quyết 15 của tỉnh.
Tính đến nay, nhiều giải pháp và mô hình thí điểm được tỉnh Thái Nguyên triển khai đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi tỉnh vẫn cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là các hộ chăn nuôi.