|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá ngô Mỹ chạm đáy gần 3 năm do Trung Quốc chuyển sang mua hàng Brazil

08:21 | 02/10/2023
Chia sẻ
Giá ngô của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm do Trung Quốc tăng cường nhập khẩu từ Brazil. Ngoài ra, sản lượng ngô của Brazil năm nay tốt hơn so với dự kiến nên giá cả trở nên cạnh tranh hơn.

Theo Nikkei Asia, giá ngô kỳ hạn ở Chicago đã giảm xuống dưới 5 USD/giạ vào cuối tháng 8 và vẫn giảm kể từ đó. Vào ngày 19/9, mặt hàng này đã giảm xuống dưới 4,7 USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, và duy trì quanh mức giá này cho đến nay (2/10).

 Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Điều này xảy ra trong bối cảnh lượng mua của Trung Quốc, nước tiêu thụ ngô lớn nhất thế giới, giảm.

Theo ước tính từ Refinitiv dựa trên dữ liệu vận chuyển hàng hải, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 240.000 tấn ngô từ Mỹ trong tháng 8, giảm so với gần 1,5 triệu tấn một năm trước đó. 

Trong khi đó, nhập khẩu ngô Brazil của nước này tăng từ 0 lên khoảng 580.000 tấn. Khoảng cách này đã mở rộng trong tháng 9 lên khoảng 1,22 triệu tấn từ Brazil, so với khoảng 70.000 tấn từ Mỹ.

Sự thay đổi này một phần là do vụ thu hoạch bội thu khiến ngô của Brazil trở nên cạnh tranh hơn về giá. Ông Ruan Wei thuộc Viện nghiên cứu Norinchukin của Nhật Bản cho biết: “Các động thái của Trung Quốc nhằm đa dạng hóa nguồn ngô nhập khẩu nhằm cải thiện an ninh lương thực đã có tác động”.

Trước đó, Trung Quốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ngô của Mỹ và Ukraine, nhưng điều này bắt đầu thay đổi vào cuối năm 2022 khi căng thẳng địa chính trị tại một số quốc gia leo thang. 

Nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy cạnh tranh trên thị trường nhập khẩu của Trung Quốc trong niên vụ 2022- 2023 đã tăng 22% so với một năm trước đó trong bối cảnh lượng mua hàng từ Brazil tăng lên.

Thị phần ngô Mỹ tại Trung Quốc đang sụt giảm tương tự như những gì xảy ra với mặt hàng đậu tương khoảng một thập kỷ trước. Sản lượng đậu tương của Brazil tăng vọt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc và quốc gia Nam Mỹ này đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc.

Ông Wei cho biết: “Thị phần ngô trồng ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”.

Theo USDA, sản lượng ngô của Mỹ trong năm 2023-2024 được dự báo sẽ cao thứ hai trong lịch sử, kết hợp với nhu cầu xuất khẩu yếu hơn sẽ làm mất cân bằng cung cầu.

Với việc xuất khẩu ngô vụ thứ hai của Brazil đang gần chạm đỉnh trong niên vụ thứ hai, một số nhà quan sát thị trường nhận thấy tâm lý lo âu của những người trồng ngô tại Mỹ được giải toả phần nào.

Ông Naoyuki Omoto thuộc công ty tư vấn ngũ cốc Green County có trụ sở tại Tokyo cho biết: “Cuộc tấn công xuất khẩu của Brazil sau này sẽ giảm bớt, giúp người mua dễ dàng lựa chọn ngô trồng ở Mỹ hơn”.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong 8 tháng 2023, Việt Nam nhập khẩu 5,3 triệu tấn ngô, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó lượng nhập khẩu Brazil lớn thứ hai (sau Argentina), chiếm khoảng 32%. Ngô, đậu tương là nguyên liệu đầu vào quan trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, ngô thường chiếm khoảng 25-40% trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm tùy theo giai đoạn phát triển. Hiện ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu. 

H.Mĩ

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.