|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam tăng cường mua ngô Ấn Độ với giá chiết khấu cao

11:55 | 10/03/2023
Chia sẻ
Trong năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 872.000 tấn ngô từ Ấn Độ. Một số công ty nhập khẩu cho biết họ không gặp vấn đề gì về chất lượng ngô Ấn Độ và sẽ tiếp tục mua hàng bởi giá rẻ hơn so với ngô của Nam Mỹ.

Theo S&P Global Commodity Insights, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang tiếp tục mua ngô Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu giao ngay trong tháng 3. Động thái này diễn ra trong bối cảnh giá chào hàng của các quốc gia khác cũng giảm mạnh khoảng 25 USD/tấn và giá thịt heo trong nước yếu. Giá thịt heo hơi trong nước vẫn ở mức thấp, quanh 50.000 đồng/kg do nhu cầu suy yếu. 

Các nguồn tin thị trường cho biết ngô Ấn Độ chào bán cho Việt Nam ở mức 310 USD/tấn CFR cho kiện hàng 55.000 giao từ tháng 4 đến tháng 5, thấp hơn nhiều so với giá chào hàng ngô Nam Mỹ hoặc Nam Phi ở mức 336 USD/tấn CFR cho các đợt hàng tương tự.

Việt Nam đã nhập khẩu 1,17 triệu tấn ngô tính từ đầu năm đến ngày 15/2, theo dữ liệu của Tổng Cục Hải quan. Trong đó, nguồn cung từ Ấn Độ ước tính khoảng 150.000 tấn. 

Trong năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 872.000 tấn ngô từ Ấn Độ. Một số công ty nhập khẩu cho biết họ không gặp vấn đề gì về chất lượng ngô Ấn Độ và sẽ tiếp tục mua hàng bởi giá rẻ hơn so với ngô của Nam Mỹ. 

Thị trường vẫn đồn đoán về sức cạnh tranh của ngô nhập khẩu từ Nga tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ khi việc mua bán cũng không dễ dàng. 

Sức hút từ ngô Mỹ giảm

Các hợp đồng ngô của Mỹ giao trong tháng 4 và 5 tiếp tục có giá cạnh tranh nhất tại thị trường châu Á trước khi vụ mùa mới của Argentina được tung ra, mặc dù phí bảo hiểm ngô Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ đối với các hợp đồng tương lai của Ủy ban Thương mại Chicago tăng trở lại.

 Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, sự quan tâm đến ngô Mỹ từ Việt Nam vẫn còn thấp.

“Người chăn nuôi nhận thấy rằng ngô Mỹ không đủ vàng để làm thức ăn gia cầm và cách làm khô ngô ở Mỹ gây khó khăn cho việc xử lý trong điều kiện thời tiết và độ ẩm địa phương”, một thương nhân Việt Nam cho biết.

Nhu cầu đối với ngô và lúa mì làm thức ăn chăn nuôi vẫn mạnh. Trong tháng 2, các nhà nhập khẩu bắt đầu tìm đến Brazil cho những đơn hàng cho quý III và IV và đặt hàng từ các nước Australia, Romania và Bulgaria cho đơn hàng giao trong tháng 7 và 8. 

Logistics tiếp tục là thách thức đối với Việt Nam trong ngắn hạn. Một công ty nhập khẩu cho biết: “Việc nhập một lượng lớn ngô Ấn Độ sẽ gây áp lực lên hệ thống kho vận, chưa kể các công ty cần kho để lưu trữ các lô hàng từ Nam Mỹ và cần khoảng trống cho hoạt động phối trộn”.

Một thương nhân khác cho rằng những hạn chế về logistics sẽ làm giảm nhu cầu đối với các đơn hàng giao ngay. 

“Các kho phía nam có khá ít chỗ trống. Trong khi đó, ở phía bắc, các kho cũng không đáp ứng được nhu cầu vì còn quá nhiều tàu chưa dỡ hàng tại nơi neo đậu”.

“Còn khoảng nửa triệu tấn ngô tồn kho tại các địa phương không bán được; đây không phải là vấn đề lớn nhưng hiện tại nhu cầu của các nhà máy thức ăn chăn nuôi đang chậm lại,” thương nhân này nói thêm.

 

H.Mĩ