Giá một tách cà phê sẽ tăng mạnh vì áp lực lạm phát và thiếu hụt nguồn cung
Thời tiết khắc nghiệt tàn phá vụ mùa cà phê
Trên sàn giao dịch liên lục địa (ICE) ngày 6/12, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 3/2022 đạt 2.298 USD/tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng ngày trên sàn ICE, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 3/2022 đạt 243 US cent/pound, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo CNN, giá cà phê tăng mạnh, có nghĩa người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn cho mỗi cốc cà phê tại cửa hàng trong vài tháng tới. Giá cả leo thang làm gia tăng áp lực lạm phát, gây hoang mang cho hàng triệu người Mỹ.
Nguyên nhân khiến cà phê tăng đột biến phần lớn là do hạn hán nghiêm trọng và thời tiết băng giá bất thường ở Brazil, nhà cung cấp hạt cà phê lớn nhất thế giới.
Thời tiết khắc nghiệt này đã đe dọa nguồn cung cà phê và gióng lên hồi chuông cảnh báo trên thị trường.
Ông Carlos Mera, trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank nhận định: "Thời tiết bất thường đã tạo ra một sự hoảng loạn trên thị trường".
Lạm phát giá cà phê là ví dụ điển hình. Khủng hoảng khí hậu đang tạo ra cơn ác mộng cho nông dân, khiến thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân trên toàn thế giới.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, chỉ số giá các mặt hàng lương thực được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đạt trung bình 134,4 điểm, tăng 27% so với tháng 10. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 6/2011.
Nguyên nhân là giá hàng hóa nông nghiệp tăng mạnh trong năm qua do thời tiết khắc nghiệp, nông dân mất mùa trong khi nhu cầu tăng mạnh, theo Reuters.
Cũng giống như các khu vực khác trên thế giới, các vùng trồng cà phê của Brazil đã bị ảnh hưởng bởi một đợt hạn hán kéo dài, cũng là đợt khô hạn tồi tệ nhất của đất nước này trong gần một thế kỷ qua.
Ngay sau đó, vào tháng 7, Brazil tiếp tục phải hứng chịu đợt băng giá lạnh nhất kể từ năm 1994, giáng một đòn mạnh vào cà phê và các loại cây trồng khác.
Ngoài ra, sự hỗn loạn chuỗi cung ứng, bao gồm việc thiếu container, khó khăn trong vận chuyển cũng là một nguyên nhân đẩy lạm phát giá cà phê đến gần hơn.
Giá một tách cà phê sẽ tăng mạnh vì áp lực lạm phát, nguồn cung thiếu hụt
Dù vậy, nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng bất chấp những biến động do đại dịch COVID-19 gây ra. Mọi người chỉ thay đổi thói quen uống cà phê tại nhà thay vì tại văn phòng, quán xá như trước dịch.
Jorge Cuevas, Giám đốc kinh doanh mảng cà phê tại Sustainable Harvest Coffee Importers, cho biết: "Tất cả chúng tôi đều rất lo sợ".
Hiệp hội Cà phê Mỹ cũng một lần nữa khẳng định nhu cầu tiêu thụ không bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Hiệp hội cho rằng giá cà phê tăng do sự thiếu hụt nguồn cung.
"Trong nhiều năm, thế giới trồng nhiều cà phê hơn chúng ta uống, tuy nhiên năm nay Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lực cầu sẽ vượt qua nguồn cung.
Chúng tôi không kỳ vọng các điều kiện hiện tại sẽ thay đổi vị thế của cà phê như một thức uống ưa thích của người Mỹ", đại diện Hiệp hội nói.
Như vậy, giá cà phê bán lẻ đang có xu hướng tăng nhưng không đột biến như nhiều mặt hàng khác.
Theo báo cáo lạm phát tiêu dùng tháng 10 của Mỹ, giá cà phê tăng 4,7% trong vòng một năm qua, cũng là mức cao nhất trong 30 năm.
Đó là bởi vì Starbucks (SBUX) và các công ty cà phê khác mua dự trữ lượng lớn cà phê và có các chiến lược phòng ngừa rủi ro để chốt giá.
Điều này giúp Starbucks bảo vệ tỷ suất lợi nhuận và giữ cho giá cà phê trong tầm kiểm soát, giúp tránh khỏi những biến động trên thị trường kỳ hạn.
Tuy nhiên, nếu giá cà phê vẫn leo thang, phần tăng đó sẽ được chuyển sang giá của những tách cà phê.
"Điều này sắp xảy ra. Điều không thể tránh khỏi là chi phí sẽ được chuyển cho người tiêu dùng," Ceuvas nói.
Minh chứng là Starbucks đang thực hiện kế hoạch tăng giá với lý do lạm phát cao liên quan đến chi phí hậu cần, hàng hóa và chi phí lao động.