Giá cà phê vừa đạt đỉnh 10 năm lại được dự báo sẽ tăng mạnh trong hai năm tới
Giá cà phê chưa thể ngừng tăng
Kết thúc phiên giao dịch 29/11, hợp đồng cà phê giao tháng 12 neo quanh mức 2,34 USD/pound (tương đương 4.680 USD/tấn).
Trong phiên 25/11 trên sàn ICE (New York), giá cà phê giao sau đã leo lên hơn 2,46 USD/pound. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2011 - thời điểm mà nông sản này vượt mốc 3 USD/pound.
Ngoài ra, giá chuẩn của Hiệp hội Cà phê Quốc tế hiện đang dao động quanh mức 2,07 USD/pound, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, giá cà phê trên toàn cầu đều đang trong xu hướng tăng cao.
Bình luận về đà tăng giá của cà phê, ông Ole Hansen - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho hay: "Trong 12 tháng qua, một cơn bão hoàn hảo đã đổ bộ, tạo cú hích lớn cho hạt cà phê".
"Câu hỏi đặt ra là trong tương lai, bao nhiêu yếu tố tích cực cho giá cà phê có thể trụ vững", ông Hansen chia sẻ qua điện thoại với CNBC.
"Tôi nghĩ chúng ta cần tập trung vào thị trường Brazil. Nền nhiệt tại đất nước Nam Mỹ trong năm nay khá thấp, các đợt lạnh nhanh chóng xuất hiện tại một số khu vực trồng trọt và một số vùng khác lại chịu hạn hán. Các sự kiện đó khiến cho vụ mùa năm tới khá bấp bênh", vị chiến lược gia nhận định.
Theo trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank, giá cà phê leo vọt lên 3 USD/pound vào năm 2011 khi nguồn cung từ Brazil khan hiếm. Do điều kiện thời tiết tại Brazil trong năm 2021 không thuận lợi, thị trường bắt đầu đồn đoán liệu giá cà phê có thể bật tăng như trong quá khứ hay không.
Chia sẻ với CNBC, ông Hansen cho rằng sản lượng cà phê vào cuối năm nay, cũng như trong năm 2022 và thậm chí là sang năm 2023 sẽ bị tác động bởi thời tiết thất thường tại Brazil.
"Nếu những dự đoán của tôi trong những tháng tới chính xác, sản lượng cà phê của Brazil có thể chững lại hoặc sụt giảm đáng kể. Khi đó, có nguy cơ giá cà phê trong những năm tới sẽ trở nên đắt đỏ hơn", ông Hansen nhấn mạnh.
Còn các yếu tố nào khác chi phối giá cà phê?
Cùng với thời tiết xấu tại Brazil, những hạn chế về nguồn cung cà phê toàn cầu cũng tác động đáng kể đến thị trường. Bất ổn còn xuất hiện tại các nước xuất khẩu cà phê lớn như Ethiopia và Việt Nam.
Trong khi Ethiopia có nguy cơ xảy ra nội chiến, thì Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và thiếu hụt lao động. Các cú sốc này đều có thể ảnh hưởng đến sản lượng hạt cà phê.
"Lần đầu tiên sau nhiều năm, nguồn cung cà phê trên thị trường có dấu hiệu hụt hơi", ông Ole Hansen của Saxo Bank nhấn mạnh.
Ở một cuộc phỏng vấn khác, ông Maximillian Copestake, Giám đốc cấp cao của công ty thương mại hàng hóa Marex, nhận thấy cà phê đang tham gia vào "một cuộc đua tăng giá, nguyên nhân chủ yếu là do chênh lệch cung - cầu".
"Trong 5 đến 8 năm qua, thị trường phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ở chỉ một hoặc hai nhà sản xuất lớn, cụ thể là Việt Nam và Brazil", ông Copestake cho hay.
"Nếu nguồn cung ở một hoặc hai nước này gặp trục trặc, như những gì chúng ta đang thấy, đột nhiên thị trường sẽ trở nên bất ổn. Khi đó, các nhà giao dịch sẽ điên cuồng tìm kiếm nhà cung ứng khác…", ông Copestake nói thêm.
Song theo vị giám đốc của Marex, thường phải mất khoảng hai năm để các nhà sản xuất tăng sản lượng. Trong khoảng thời gian này, ông Copestake dự đoán giá cà phê vẫn sẽ tăng cao và không ngừng biến động.