|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá chạm mức cao nhất trong 10 năm, cà phê được mùa nhưng đắng chát vì người trồng không có lãi

08:00 | 27/11/2021
Chia sẻ
Giá cà phê tăng hơn 40.000 đồng/kg, mức cao nhất trong 10 năm qua thế nhưng nông dân không có lợi nhuận, làm thuê trên chính mảnh đất của mình vì 1 kg cà phê phải cõng gần 10 loại chi phí, đặc biệt là phân bón và tiền thuê nhân công tăng cao.

1 kg cà phê đội nhiều chi phí

Dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng thế giới và trong nước bị đảo lộn, giá phân bón tăng từ 30 - 50%, thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng 10 - 20%, giá công lao động tăng bình quân khoảng 25% so với năm 2020, tạo áp lực lớn cho nông dân.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông, thông thường, canh tác 1 ha cà phê, nông dân sẽ phải chi trả gần 10 thứ chi phí. Đáng chú, chi phí phân bón chiếm 45 – 50% giá thành, tiền thuê công nhân thu hoạch chiếm 25 – 30% giá thành sản xuất.

1 kg cà phê 'cõng' gần 10 chi phí, niên vụ được mùa, được giá nhưng đắng chát - Ảnh 1.

Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông.

Cuộc "bão giá" đổ bộ, nông dân chỉ thu được 42,4 triệu đồng/ha sau khi hạch toán chi phí. Đặc biệt với những hộ nông dân có diện tích trồng nhỏ, năng suất chưa cao thì khoản thu nhập này không đảm bảo chi phí trong một năm cho cả hộ gia đình.

Thực tế, những chi phí sản xuất nông dân phải trả cao hơn như vậy. Ông Đặng Văn Dũng, người trồng cà phê ở tỉnh Đăk Nông cho biết gia đình trồng 2.200 gốc cà phê trên tổng diện tích 2 ha.

"Trung bình mỗi gốc cà phê sẽ cần bón 4 đợt phân, tương đương 50.000 đồng/gốc. Như vậy, một vụ cà phê, gia đình tôi tốn hơn 100 triệu đồng tiền phân bón.

Năm ngoái, giá cà phê chỉ 30.000 – 35.000 đồng/kg nhưng tôi vẫn lãi chút đỉnh. Năm nay giá cà phê tăng 30% nhưng giá phân bón tăng gấp đôi, lãi nào gồng nổi chi phí".

Ông Dũng lo lắng nếu giá phân bón tiếp tục tăng đỉnh, vụ cà phê năm sau chưa biết sẽ "thảm" như thế nào.

1 kg cà phê 'cõng' gần 10 chi phí, niên vụ được mùa, được giá nhưng đắng chát - Ảnh 2.

Cà phê được mùa, được giá nhưng chi phí sản xuất ăn mòn lợi nhuận của nông dân. (Ảnh: Kinh tế Đô thị)

Mặt khác, dịch COVID-19 khiến việc di chuyển giữa các địa phương khó khăn đẩy giá công lao động cũng tăng 20 – 30%, thậm chí nhiều nhà vườn đăng tuyển công nhân khắp nơi, trả lương cao, bao ăn ở nhưng vẫn chưa hấp dẫn.

Theo ghi nhận của ông Lanh Thế Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Thái (Đăk Nông), HTX đang khoán cho công nhân 1.200 – 1.300 đồng/kg cà phê.

Như mọi năm, HTX sẽ tuyển công nhân ở Đăk Lăk, Phú Yên, Điện Biên nhưng năm nay dịch COVID-19 khiến người lao động ngoại tỉnh khó vào địa phương khiến tiến độ thu hoạch chậm lại, việc thu hoạch 500 ha cà phê có thể kéo dài đến cuối tháng 1.

"Với vùng nguyên liệu quy mô lớn, chi phí sản xuất cà phê đang dao động 32-35 triệu/tấn. Với giá 40.000 đồng/kg, nông dân đang chỉ thu được 5 – 8 triệu đồng/tấn cà phê trong khi một năm chỉ có một vụ.

Mức lợi nhuận này quá thấp, nông dân đang làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Ở tình huống xấu, nếu các nhà vườn không kịp thu hoạch mà gặp áp thấp, bão thì nông dân có thể lỗ", ông Thành nói.

Theo ông Thành, trong bối cảnh khan hiếm lao động, mức giá thu hoạch cà phê khoảng 1.200 – 1.300 đồng/kg có thể chấp nhận được nhưng nếu giá nhân công tiếp tục tăng thì chủ vườn sẽ không còn lãi.

Chia sẻ với người viết, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông cho biết với tổng diện tích 120.000 ha, tỉnh cần khoảng 230.000 lao động.

Tuy nhiên, nguồn lao động tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 50%, số nhân công còn lại phải thuê mướn từ các địa phương khác.

Hiện, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, quy định lao động vào tỉnh phải test nhanh hoặc PCR, cách ly tại nhà từ 7 – 14 ngày tùy theo tình trạng tiêm vắc xin khiến người lao động e ngại. Sở NN&PTNT dự báo số lao động thu hoạch có thể 115.000 lao động so với các năm trước.

"Cà phê đang trong giai đoạn chín rộ, nhiều hộ nông dân muốn thu hoạch nhanh hạn chế thất thoát do khô, rụng nên đã đẩy giá công nhân lên cao như hiện nay.

Bình quân khoảng 1.300-1.500 đồng/kg cà phê tươi, đặc biệt ở những khu vực có độ dốc lớn, giá nhân công khoảng 1.600-2.000 đồng/kg, tăng 30 – 50% so với năm ngoái", ông Tuấn Anh nói.

Cà phê được mùa được giá, nông dân vẫn không có lãi

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông, diện tích cà phê cho thu hoạch của toàn tỉnh khoảng 120.000 ha, sản lượng ước đạt 330.000 tấn, tăng 13.600 tấn so với năm 2020. Bình quân năng suất cà phê niên vụ 2021-2022 của tỉnh ước đạt 2,7 tấn/ha, tăng khoảng 3%/ha so năm 2020.

Ngoài ra, mặt bằng giá cà phê dao động khoảng 40.300 – 41.600 đồng/kg, tăng 20 – 25% so với đầu năm.

1 kg cà phê 'cõng' gần 10 chi phí, niên vụ được mùa, được giá nhưng đắng chát - Ảnh 3.

Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Hoàng Anh.

Tuy vậy, niên vụ cà phê 2020-2021 khá thuận lợi, được mùa được giá song nông dân vẫn buồn vì không có lãi.

Ông Dũng cho biết: "Gia đình có 10 ha đất nông nghiệp, trồng đa dạng cây cao su, cà phê, tiêu, sầu riêng… song cà phê gần như không đem lại lợi nhuận. Giá cà phê phải tăng lên 47.000 – 50.000 đồng/kg thì nông dân mới dư chút đỉnh".

Nói về hiệu quả kinh tế năm 2021, ông Dũng cho rằng 5 ha cây cao su là nguồn thu bền vững của gia đình, dao động 40 – 50 triệu đồng/tháng nhờ việc giá cao su khởi sắc, cây thân gỗ dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, chi phí nhân công thấp.

Trước diễn biến chi phí sản xuất bào mòn lợi nhuận của nông dân trồng cà phê, đại diện Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân tận dụng vỏ cà phê và phụ phẩm nông nghiệp ủ phân bón hữu cơ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiểu quả kinh tế trên một đơn vị sản xuất.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tận dụng lao động tại chỗ, huy động các tổ chức đoàn thể, trao đổi công nhân giữa các vườn, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao.

Đồng thời, hỗ trợ người dân, HTX, THT, doanh nghiệp làm xét nghiệm với virus SARS-CoV-2, thực hiện "3 tại chỗ" trong suốt quá trình thu hoạch.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tăng trong các tháng tới. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng, trong khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021 - 2022.

Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển mặt hàng.

Tuy nhiên, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng giá cà phê quay về thời hoàng kim 46.000 - 47.000 hay không còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Anh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.