Giá cà phê hạ nhiệt sau nhiều tháng tăng liên tiếp
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khu vực Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng thiếu lao động.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn có hơn 200.000 ha cà phê với sản lượng gần 500.000 tấn và cần gần 15 triệu ngày công lao động.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông dự kiến niên vụ 2021-2022, tổng diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng trên 120.000 ha và cần trên 13 triệu ngày công lao động phục vụ thu hái.
Trong khi đó, việc thông quan hàng hóa không thuận lợi dẫn đến doanh nghiệp giao hàng cầm chừng, dẫn đến việc thu mua chậm lại.
Do đó, giá cà phê Robusta trong nước đầu tháng 11 giảm so với cuối tháng 10. Ngày 8/11, giá cà phê Robusta trong nước giảm 1% so với ngày 29/10, xuống còn 39.900 – 40.800 đồng/kg.
Mặc dù vậy, về trung và dài hạn, giá cà phê vẫn được hưởng lợi từ triển vọng tích cực của thị trường thế giới khi nguồn cung bị hạn chế.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Theo Rabobank, xuất khẩu cà phê từ Brazil và các nước sản xuất bị định trệ do quá trình vận chuyển không thuận lợi.
Tuần cuối tháng 10, giá cà phê Arabica tại Mỹ tiến sát mức cao nhất trong 7 năm qua do dự báo nguồn cung từ Brazil có xu hướng giảm sau đợt hạn hán và băng giá nghiêm trọng.
Theo Bộ Thương mại Brazil, xuất khẩu cà phê của nước này tháng 10 đạt 3,15 triệu bao, tăng 11% so với tháng 10/2020.
Còn theo Cơ quan Thương mại Indonesia, xuất khẩu cà phê nước này tháng 10 đạt 205.827 bao, giảm 24,4% so với tháng 10/2020, do dịch bệnh bùng phát khiến nước này phải tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.