ICO: Giá cà phê thế giới tiếp tục tăng cao
Giá cà phê thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2012
Giá cà phê liên tục tăng và thiết lập mức cao mới trên thị trường thế giới do nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU phục hồi nhờ chiến dịch tiêm chủng vắc xin và mở cửa kinh tế.
Trong khi đó, chuỗi cung ứng cà phê bị đứt gãy do tình trạng thiếu container rỗng tại Brazil và thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản lượng cà phê của các nước sản xuất chính.
Tại Brazil, sản lượng cà phê của nước này năm 2021 dự báo giảm hơn 25% do cháy rừng, hạn hán, băng giá lần lượt đổ bộ và tàn phá vào Brazil khiến nông dân trồng cà phê mất trắng.
Còn theo Liên đoàn các nhà sản xuất cà phê Colombia, sản lượng cà phê của nước này trong tháng 10/2021 giảm tới 13% so với cùng kỳ năm ngoái và có thể tiếp tục giảm sút do thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là mưa nhiều, đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch cà phê cũng như tác động đến khả năng ra hoa của cây cà phê trong vụ mùa mới.
Tại Việt Nam, áp thấp nhiệt đới gây mưa kéo dài và tình trạng thiếu nhân công thu hái khiến cho việc thu hoạch cà phê vụ mới ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ Việt Nam bị đình trệ. Trước đó, việc giãn cách xã hội do dịch COVID-19 đã khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu cà phê bị gián đoạn.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 10 chỉ số giá cà phê thế giới tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với 181,6 US cent/lb, tăng 6,8% so với tháng 9 và tăng 71,5% so với đầu niên vụ cà phê 2020-2021(tháng 10/2020).
Đặc biệt, đây là mức giá cao nhất kể từ sau mức giá 182,29 US cent/lb đạt được vào tháng 2/2012.
Xu hướng tăng giá kể từ khi bắt đầu niên vụ cà phê 2020-2021 đang cho thấy sự phục hồi của thị trường cà phê toàn cầu sau ba năm liên tiếp ở mức thấp, phản ánh sự biến động trong các yếu tố tổng thể của thị trường.
ICO nhận định, nhu cầu tiêu thụ tăng lên trong khi sản lượng không có cải thiện nào đáng kể khiến cung – cầu cà phê thế giới ngày càng thắt chặt và xu hướng tăng giá hiện nay khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Chỉ số giá của các nhóm cà phê được theo dõi bởi ICO
Nguồn: ICO
Trong tháng 10, giá cà phê tự nhiên Brazil ghi nhận mức tăng mạnh nhất khi tăng 8,9% so với tháng 9 và tăng gấp 2 lần so với tháng 10/2020, đạt 199,9 US cent/lb - mức cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Giá cà phê arabica Colombia cũng tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 67,8% so với đầu niên vụ hiện tại, đạt 258,9 US cent/lb.
Giá của nhóm cà phê arabica khác cũng tăng 6,9% so với tháng trước lên 241 US cent/lb, mức cao nhất kể từ tháng 11/2011.
Trong khi đó, giá cà phê robusta trong tháng 10 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với tháng 9 lên mức 105,2 US cent/lb, cao nhất kể từ tháng 4 năm 2014.
Do đó, chênh lệch giữa cà phê arabica và robusta trên thị trường kỳ hạn New York và London tăng 13,8% lên mức 109,7 US cent/lb trong tháng 10, nới rộng khoảng cách so với 96,4 US cent/lb của tháng 9.
Thặng dư cà phê toàn cầu giảm một nửa trong niên vụ 2020-2021
Trong báo cáo tháng này, ICO vẫn giữ nguyên ước tính về sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 ở mức 169,6 triệu bao loại 60 kg, tăng 0,4% so với gần 169 triệu bao của niên vụ trước.
Trong đó, sản lượng cà phê arabica tăng 2,3% lên 99,3 triệu bao; cà phê robusta giảm 2,1% xuống còn 70,4 triệu bao.
Niên vụ 2020-2021, sản lượng cà phê tại châu Phi ước tính tương đương niên vụ trước với 18,8 triệu bao; sản lượng tại châu Á và châu Đại Dương giảm 1,1% xuống còn 49,4 triệu bao; sản lượng tại Trung Mỹ và Mexico giảm 2,1% xuống 19,2 triệu bao.
Trái lại, sản lượng cà phê tại khu vực Nam Mỹ tăng 1,9% so với niên vụ trước lên 82,8 triệu bao.
Hiện nay, thu hoạch cà phê niên vụ 2020-2021 tại các nước sản xuất lớn đều đã kết thúc và sự quan tâm của thị trường đang hướng đến sản lượng của niên vụ 2021-2022 cũng như 2022-2023.
Tuy nhiên, nguồn cung cà phê toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng trước các hình thái thời tiết khắc nhiệt tại các nước sản xuất chính và sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 gây ra.
Hơn nữa, chi phí phân bón, nhân công và cước vận chuyển gia tăng cũng làm giảm lợi nhuận của người trồng cà phê cũng như các khoản đầu tư vào sản xuất.
Về tiêu thụ, ICO ước tính tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 tăng 1,9% so với niên vụ trước lên 167,2 triệu bao. Như vậy, thặng dư cà phê toàn cầu giảm một nửa từ 5 triệu bao của niên vụ 2019-2020 xuống còn 2,5 triệu bao trong niên vụ 2020-2021.
Trong 10 năm qua, lượng cà phê tiêu thụ trung bình trên thế giới tăng 1,9% mỗi năm do được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng tại các thị trường mới nổi nhờ xu hướng tiêu thụ cà phê truyền thống tại thị trường tiêu thụ.
Với triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đang dần được nới lỏng, ICO dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nguồn: ICO
Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 1,3% trong niên vụ 2020-2021
Cũng theo ước tính của ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9/2021 đạt 10 triệu bao, giảm 4,9% so với 10,6 triệu bao của tháng 9/2020.
Tuy nhiên, tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 (tháng 10/2020 – tháng 9/2021) vẫn tăng 1,3% so với niên vụ 2019-2020, đạt 129 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân đạt 117 triệu bao, tăng 1,8% so với niên vụ trước. Hiện nay xuất khẩu cà phê của các nước vẫn chủ yếu là cà phê nhân, chiếm lần lượt 90,6% và 90,2% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu niên vụ 2020-2021 và 2019-2020.
Xét theo khu vực, xuất khẩu cà phê của Nam Mỹ trong niên vụ 2020 – 2021 đạt 59,5 triệu bao, tăng 3,2% so với niên vụ trước. Trong đó, xuất khẩu của Brazil tăng 5% lên 43 triệu bao; Colombia tăng nhẹ 1,5% lên 12,8 triệu bao. Trái lại, Peru giảm 11,2% xuống 3,2 triệu bao.
Tại Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2020-2021 tăng 5,1% so với niên vụ trước lên 16,8 triệu bao. Đóng góp vào mức tăng này là Honduras (tăng 6,7%), Guatemala (tăng 12,7%) và Mexico (tăng 4,3%). Tuy nhiên, Nicaragua ghi nhận mức giảm 4,5%, Costa Rica giảm 1,8%.
Tương tự, xuất khẩu cà phê của châu Phi cũng tăng 2,2% lên 13,9 triệu bao. Trong khu vực, Uganda tăng 21,4%, Tanzania tăng 25,0% và Kenya tăng 5,9%.Nhưng xuất khẩu giảm 12,2% và 49 % ở Ethiopia và Bờ Biển Ngà.
Trong khi đó, châu Á và châu Đại Dương là khu vực duy nhất ghi nhận khối lượng xuất khẩu giảm trong niên vụ 2020-2021, với mức giảm 3,2% so với niên vụ trước xuống còn 38,8 triệu bao. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam giảm 7,5% xuống 25,6 triệu bao; trong khi xuất khẩu của Ấn Độ tăng 12% lên gần 6 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của một số khu vực sản xuất chính trên thế giới niên vụ 2020-2021
Nguồn: ICO