Nông dân trồng cà phê ở Brazil mất trắng vì biến đổi khí hậu
Sản lượng cà phê của Brazil giảm 25%
Chỉ trong 9 tháng đầu năm, cháy rừng, hạn hán, băng giá, những "đứa con" của biến đổi khí hậu lần lượt đổ bộ và tàn phá nền nông nghiệp Brazil.
Và tâm điểm của cuộc càn quét này là vùng Caconde, một ngôi làng nằm trong những cánh rừng ở phía tây bắc bang Sao Paulo.
Ông Antonio Ribeiro Goulart, một nông dân sở hữu trang trại với hơn 11.000 cây cà phê cho biết một cao nguyên cà phê xanh mướt đã biến thành đám củi khô chỉ sau 24 giờ băng giá ập đến.
Ông Goulart đã mất tất cả. Một tháng sau, ông dường như chưa hết bàng hoàng với những gì đã diễn ra.
Năm 2019, ông Goulart đã thế chấp một phần cà phê của trang trại để mua một chiếc máy tách vỏ cà phê. Song, với tình hình này, cà phê cũng không còn và nợ cũng chưa thể trả.
Trang trại này phải đợi đến sớm nhất là năm 2023 mới có cà phê để thu hoạch. Và chủ trang trại sẽ phải thương lượng với các nhà cung cấp về những điều khoản cho phù hợp với tình hình thực tế.
"Cũng như hàng nghìn người dân xung quanh, gia đình tôi sẽ chặt bỏ các cành nhỏ và hy vọng những mầm non sẽ nảy trở lại.
Còn trong trường hợp cả thân cây đều chết, không còn sự sống, chúng tôi buộc phải phá toàn bộ vườn cà phê và bắt đầu từ con số 0. Thực sự, chúng tôi không còn cách nào khác", ông Goulart nói.
Theo ông Ademar Pereira, đại diện Hiệp hội nông dân trồng cà phê vùng Caconde cho biết hạn hán đã kéo dài đến tháng thứ 7 liên tiếp. Hiện nay, độ ẩm của đất chỉ còn 20% trong khi độ ẩm lý tưởng để trồng cà phê là 60%. Thời tiết quá khắc nghiệt nên không thể có một vụ mùa bội thu.
Ở nơi cây cà phê chiếm 80% giá trị kinh tế vùng, nhiều nông dân cũng rơi vào trắng tay như ông Goulart.
Sau cơn hạn hán và băng giá, 1,5 triệu km2 cà phê bị hư hại, diện tích này tương đương đất nước Peru. Ngành cà phê Brazil đang phải đối mặt với những tổn thất lên tới 1,3 tỷ pound (gần 600 nghìn tấn) cà phê, lượng cà phê này đủ cho người Mỹ uống trong 4 tháng.
Các thương hiệu cà phê tranh giành nguồn cung
Việc thủ phủ cà phê Brazil mất mùa khiến thị trường cà phê thế giới bắt đầu rung chuyển. Dự báo sản lượng cà phê của Brazil năm 2021 giảm hơn 25% khiến giá cà phê arabica đã tăng 30% vào cuối tháng 7.
Điều này đã tạo ra một cuộc chiến ngầm giữa các nhà bán lẻ các phê lớn nhất thế giới như Starbucks Corp. và Nestle SA để đảm bảo nguồn cung.
"Những thương hiệu này đang tranh giành khá gắt gao. Starbucks tuyên bố mua và trữ cà phê trước đó nhiều tháng trong khi Nestle chủ động mua các hợp đồng bảo hiểm nhằm ngăn ngừa rủi ro và đảm bảo tài chính cho công ty cho đến đầu năm sau", ông Jack Scoville, nhà giao dịch tại Tập đoàn Price Futures ở Chicago cho biết.
Tuy nhiên, ông Scoville cảnh báo rằng việc chốt giá thành công không có nghĩa các công ty bán lẻ có đủ cà phê trong thời gian dài.
Thủ phủ cà phê Brazil mất mùa sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nhiều năm, minh chứng là những đối tác thường nhập khẩu cà phê của Brazil và Việt Nam đang có xu hướng chuyển sang các thị trường khác để bù đắp sự thiếu hụt này.
Đó chính xác là tình huống mà ông Bader Olabi, một nhà rang xay ở Istanbul, gặp phải. Ông đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới ở Colombia, Ấn Độ và Châu Phi để thay thế 100 container cà phê ông thường mua của Brazil mỗi năm.
Tuy nhiên, ông Olabi cho rằng việc thuyết phục khách hàng sẽ rất khó bởi từ trước đến nay người tiêu dùng cho rằng cà phê Brazil là ngon nhất.
Tại bang Texas, công ty kinh doanh cà phê Greater Goods Coffee Co., đang có kế hoạch sớm tăng giá để bù đắp cho những chi phí họ phải trả khi nhập khẩu cà phê. Bà Sara Gibson cho biết người tiêu dùng phải trả các hóa đơn cà phê cao hơn để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững trước những biến đổi khí hậu.
"Điều này quả không dễ chấp nhận nhưng chúng ta cần làm để giảm thiểu những hệ lụy đáng tiếc", bà Sara nói.