Nguy cơ mất thị phần tại Mỹ, 'cửa thoát hiểm' nào cho cà phê Việt?
Thuế quan đè nặng lên sức ép cạnh tranh
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tính đến hết quý I đạt 495.780 tấn, trị giá 2,81 tỷ USD, giảm 15,3% về lượng nhưng lại tăng tới 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024 nhờ giá tăng cao.
Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ hai của Việt Nam sau thị trường EU. Cụ thể, trong quý I, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 32.395 tấn cà phê, trị giá 180,3 triệu USD, giảm 13% về lượng nhưng tăng 51% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Nguồn: Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế đối ứng với với nhiều nước trên thế giới đã gây chấn động đối với ngành cà phê khi mức thuế đối ứng được đưa ra với Việt Nam lên tới 46%, thuộc top những quốc gia chịu mức thuế cao nhất.
Hiện mức thuế đối ứng đang được tạm hoãn cho hầu hết quốc gia nhưng mức thuế nhập khẩu bắt buộc 10% vẫn được áp dụng. Điều này đang tạo không gian cho các quốc gia đàm phán. Còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, đây là cơ hội để thúc đẩy các đơn hàng cũ trước khi bị áp thuế.
Trao đổi với chúng tôi ông Lê Đức Huy, Chủ tịch HĐQT Simexco Daklak - một trong những công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, cho biết hiện công ty đang đẩy mạnh giao các đơn hàng cũ cho biết: “May mắn là ông Trump hoãn thuế đối ứng và Việt Nam hiện chỉ phải chịu mức thuế 10%. Chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này để tập trung giao các đơn hàng đã ký trong vòng 1 - 2 tháng tới”.
Ông cũng cho biết thêm rằng giá cà phê trong nước cũng không giảm nhiều do cán cân cung cầu vẫn chưa cân bằng.
Giá cà phê trong nước quý I thiết lập mức kỷ lục mới khi đạt 133.000 đồng/kg hồi cuối tháng 3. Tính chung trong quý I, giá cà phê trong nước tăng 14%. Sau cú sốc về thuế quan hồi đầu tháng 4, giá cà phê điều chỉnh về 118.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi ông Trump tuyên bố hoãn thuế 90 ngày vào hôm 9/4, giá cà phê phục hồi trở lại về mốc khoảng 125.000 đồng/kg - tức không cách quá xa so với mốc kỷ lục.
Chủ tịch Simexco hy vọng nông sản Việt Nam nói chung sẽ được nằm trong nhóm ưu tiên trong việc đàm phán để không chịu thuế đối ứng. Đặc biệt, cà phê và hồ tiêu Việt Nam không phải là mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và là những nguyên liệu thiết yếu trong ngành chế biến thực phẩm.
Do đó, ông kỳ vọng Mỹ sẽ không áp thuế quá cao với mặt hàng này. Tuy nhiên, trong kịch bản xấu hơn, ông cũng cho rằng việc đa dạng hoá thị trường là điều cần thiết dù việc này sẽ khó khăn và cần nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa), cho biết sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 dự kiến giảm 5% so với niên vụ trước đó xuống khoảng 27 triệu bao (tương đương khoảng 1,6 triệu tấn) do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, diện tích trồng bị thu hẹp do ảnh hưởng bởi các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Năm nay giá cà phê vẫn duy trì ở mức cao nên người dân không bán ồ ạt”, ông Hải nói.
Tuy nhiên theo ông Huy, các khách hàng Mỹ phản ứng khá dè dặt trong việc ký các đơn hàng giao xa vì họ cũng không dám mua và việc hoãn thời gian thực thi thuế chỉ là tạm thời và mức thuế 46% vẫn còn “treo” ở đó.
So sánh với các đối thủ khác, mức thuế áp với Việt Nam chênh lệch quá lớn như Brazil (10%), Indonesia (32%) hay Colombia (10%), Honduras (10%)… Chưa kể, xét về vị trí địa lý, những quốc gia này gần Mỹ hơn nhiều so với Việt Nam nên có thể tiết giảm được chi phí logistics.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng khó tận dụng thế mạnh về sự khác biệt về chủng loại để giảm thiểu tác động từ thuế quan.
Cụ thể, trước đây Việt Nam tập trung nhiều vào hạt robusta, chiếm khoảng 90% trong khi các nước tập trung nhiều vào hạt arabica. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới, mục đích chủ yếu dùng làm nguyên liệu để làm cà phê tan do hàm lượng cafein cao hơn nhiều so với arabica và có vị đậm đà. Ngoài ra, hạt robusta còn dùng để phối trộn với arabica trong cà phê rang xay.
Tuy nhiên, ông Huy cho biết Brazil hiện nay cũng bắt phát triển mạnh về dòng robusta với sản lượng lượng khoảng 24 - 25 triệu bao. Do đó, nếu Việt Nam bị áp thuế thì các doanh nghiệp khó lòng cạnh tranh, khả năng doanh nghiệp sẽ mất thị trường Mỹ và có thể phải mở rộng thị trường mới.
Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Brazil vẫn là quốc gia cung cấp cà phê lớn nhất cho Mỹ trong hai tháng đầu năm nay với tỷ trọng áp đảo so với các đối thủ còn lại là 36%. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ ba với tỷ trọng khoảng 5% - giảm một nửa so với cùng kỳ ngoái là gần 11%.

Nguồn: ITC (H.Mĩ tổng hợp)
Trang Coffee Intelligence nhận định Brazil – nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới – đang hưởng lợi. Với cơ cấu sản xuất đa dạng (bao gồm cả arabica và robusta), hạ tầng vận chuyển tốt và mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Mỹ, Brazil có lợi thế lớn để củng cố vị thế thống trị.
Nhà phân tích Alexander Barrett gần đây nhận định: “Brazil vừa thắng cuộc chiến cà phê.” Đầu tư vào robusta tại bang Espírito Santo đang tăng mạnh, xuất khẩu liên tục đi lên. Ngay cả khi bị áp thuế vừa phải, Brazil vẫn cạnh tranh tốt – nhất là nếu Việt Nam và Indonesia trở nên đắt đỏ hơn với người mua hàng tại Mỹ.
Ngoài ra, nếu thuế đối ứng có hiệu lực sau 3 tháng, Colombia cũng có thể được hưởng lợi bất ngờ. Arabica chế biến ướt của nước này – từng bị cạnh tranh bởi robusta chất lượng cao – có thể lấy lại sức hút nếu Việt Nam bị áp thuế cao. Tuy nhiên, với những thách thức trong nước như thiếu lao động và biến đổi khí hậu, khả năng Colombia tăng sản lượng nhanh là rất hạn chế.
Bên cạnh vấn đề cạnh tranh, tiêu thụ cà phê có thể giảm khi cà phê ngày càng trở trở nên đắt đỏ. Chủ tịch Vicofa cho biết trong bối cảnh hiện tại khi giá cà phê đang ở mức đỉnh lịch sử, nhu cầu ở các thị trường chung trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
“Trước đây mình bán cà phê với giá rất rẻ cho người tiêu dùng. Nhưng hiện giá tăng gấp 2 - 3 lần so với cách đây 3 năm khiến việc tiêu thụ có thể khó khăn hơn trong thời gian tới”, ôngNguyễn Nam Hải cho biết.
Giá cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tính đến tháng 3 khoảng 6.000 USD/tấn, tức gấp đôi so với đầu năm ngoái, theo số liệu từ Cục Hải quan.

Nguồn: Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Theo Reuters, cà phê sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ khi các hãng rang xay và pha chế cà phê hàng đầu thế giới rục rịch tăng giá bán. Nhà sản xuất cà phê hàng đầu Italy llycaffè SpA sẽ buộc phải nâng giá bán sản phẩm cà phê khi Tổng thống Donald Trump áp các mức thuế mới trong tuần trước.
Các mức thuế sẽ được chuyển thành giá tiêu dùng cà phê và Illy đang cân nhắc mức tăng, bà Cristina Scocchia, Giám đốc điều hành llycaffè, cho hay.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, trả lời câu hỏi liệu giá bán lẻ cà phê có thể tăng 20-25% trong vài tháng tới hay không, ông Andrea Illy, Chủ tịch Illycaffè, cho rằng “hoàn toàn có thể”.
Illy đã giữ giá bán cà phê ổn định trong năm 2024 bất chấp giá cà phê arabica tăng mạnh nhưng năm 2025, hãng đã phải tăng giá bình quân 4% trên thị trường toàn cầu.
Lối đi nào cho cà phê Việt?
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều giải pháp đặt ra cho cà phê Việt Nam, trong đó có việc đầu tư vào công nghệ chế biến.
Tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường hôm 7/4, ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết nếu áp thuế 46% cà phê Việt sẽ rất khó cạnh tranh. Nếu muốn cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi rất lớn về công nghệ và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có năng lực tài chính tốt và được nhà nước hỗ trợ.
Chia sẻ tại sự kiện kết nối giao thương do Amazon tổ chức chiều 3/4, bà Nguyễn Ngọc Anh - Quản lý Tài khoản cấp cao, cho biết người Mỹ tiêu thụ cà phê theo lối sống hiện đại với 67% hộ gia đình sở hữu máy pha cà phê theo dữ liệu 2021-2022.
Tuy nhiên thói quen đó đã dần thay đổi, nếu cà phê nguyên hạt từng dẫn đầu trong thời gian COVID-19, thì nay cà phê hòa tan, một trong những dòng cà phê chế biến đòi hỏi công nghệ cao, chiếm ưu thế trên Amazon.
“Dòng pha sẵn là thứ cần chú ý”, bà Ngọc Anh nói và cho bieets thêm nhu cầu hiện tập trung vào sản phẩm ít đường, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ giảm cân, với hương vị như cà phê nấm, caramel, socola, hạt dẻ và dừa.
Theo bà, yếu tố quyết định để vào Mỹ là thương hiệu với nguyên tắc “niềm tin là số một trong ngành thực phẩm”. Bà cũng đánh giá Việt Nam có lợi thế rõ ràng khi có hơn 11 nhóm nông sản xuất khẩu vượt 1 tỷ USD mỗi năm, cà phê nằm trong top 4 ngành đạt trên 4 tỷ USD, cùng rau củ quả, thủy sản và hạt điều
“Chất lượng và công nghệ chế biến của Việt Nam đủ sức cạnh tranh”, bà nhận định. Trên Amazon, cà phê Việt có thể khai thác ba dòng: cà phê hòa tan (giá 10-60 USD), cà phê rang xay (10-40 USD) và cà phê nguyên hạt (0-10 USD).
Trao đổi bên lề sự kiện, ông PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế quốc tế, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng để vượt qua cơn sốc về thuế, sàn thương mại điện tử có thể phối hợp với doanh nghiệp, tung ra các chương trình khuyến mại.
“Những nền tảng thương mại điện tử [như Amazon - PV] là người đóng thuế cho Chính phủ Mỹ. Tôi nghĩ nếu Amazon làm tốt có thể có chính sách khuyến mại, giảm giá. Đây là một cách tốt để hàng Việt Nam chịu thuế nhưng vẫn cạnh tranh tốt được”, ông Lạng nói.

Nguồn: Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)