Giá không phải là yếu tố quyết định khiến khách hàng Việt mua sản phẩm công nghệ
Các sản phẩm, dịch vụ công nghệ không còn là khái niệm xa lạ tại Việt Nam. Theo báo cáo tiêu dùng công nghệ tại Việt Nam của Vero và InsightAsia chỉ ra rằng sự bùng nổ của công nghệ 4G và điện thoại thông minh đã làm thay đổi thói quen bán hàng và tiêu dùng đối với các mặt hàng trực tuyến.
Dẫu vậy, quảng cáo trên tivi vẫn là cách thức tốt nhất để quảng bá sản phẩm, dịch vụ. 71% người khảo sát nói rằng họ biết nguồn gốc thông tin về sản phẩm công nghệ qua TV. Tỉ lệ này với nhóm dịch vụ công nghệ là 61%. Các tỉ lệ đều cao hơn so với các kênh "hiện đại" khác.
Kênh đứng ngay sau TV là Facebook với tỉ lệ 69% ở nhóm sản phẩm công nghệ và 59% với dịch vụ công nghệ. Con số cho thấy Facebook đang tạo ra tầm ảnh hưởng của một mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam khi Instagram (công ty con của Facebook) cũng lọt nhóm dẫn đầu trong các kênh cung cấp nguồn gốc thông tin của mặt hàng trực tuyến.
Các kênh truyền thống (bạn bè giới thiệu, siêu thị điện máy, cửa hàng, biển quảng cáo, phương tiện giao thông công cộng) vẫn áp đảo so với kênh trực tuyến (thương mại điện tử, website công nghệ) và các kênh pha trộn online lẫn offline (báo chí).
Do đó, khi cần giới thiệu một mặt hàng mới, các công ty kinh doanh sản phẩm dịch vụ, công nghệ vẫn nên truyền thông qua các kênh truyền thống. Dẫu vậy, khi người tiêu dùng đã biết sản phẩm, dịch vụ, quá trình bán hàng và chốt đơn chủ yếu diễn ra trên nền tảng trực tuyến.
Chỉ 4% số người khảo sát cho biết họ gần như hoàn toàn mua sản phẩm, dịch vụ công nghệ qua kênh offline. Trong khi 48% số người thường xuyên mua trực tuyến, 43% cho biết họ lựa chọn song song hai hình thức mua hàng offline và online.
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển nhanh trong vài năm trở lại, và việc mua hàng qua mạng không còn quá mới mẻ đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, với đặc thù sản phẩm và dịch vụ công nghệ, nhóm mặt hàng này cần có những yếu tố phù hợp để khách hàng đưa ra quyết định mua sắm.
Với nhóm sản phẩm công nghệ, người Việt Nam dường như không đặt nặng yếu tố về giá thành. Trong danh sách các yếu tố khiến khách hàng đưa ra quyết định mua sắm, giá cả là yếu tố xếp áp chót trong danh sách với tỉ lệ quan tâm là 58%.
"Bảo hành chính hãng" là yếu tố đứng đầu danh sách, với 92% người khảo sát tỏ ra quan tâm về vấn đề này. Yếu tố tiếp theo là "nhà cung cấp uy tín" và "chính sách đổi trả dễ dàng".
Về phía nhóm dịch vụ công nghệ, điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất lại là "được phép dùng thử miễn phí" với 89%. Các dịch vụ công nghệ, rõ ràng việc thu phí ngay từ đầu có thể khiến khách hàng mất niềm tin.
Một yếu tố khác cực kì quan trọng với các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ, chính là độ phủ và khả năng dễ dàng thanh toán. Một khách hàng sẽ lựa chọn dịch vụ khi họ cảm thấy xung quanh có nhiều người dùng. Việc trả phí cũng cần tiện lợi, rõ ràng và minh bạch.
Với các công ty kinh doanh mặt hàng công nghệ, Báo cáo tiêu dùng công nghệ tại Việt Nam của Vero và InsightAsia đã chỉ ra những điểm nhấn của thị trường Việt Nam: Với một sản phẩm, dịch vụ mới cần truyền thông qua các kênh truyền thống, bán hàng qua kênh online và tập trung vào những yếu tố khiến khách hàng đưa ra quyết định mua hàng.