|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai tuần nữa, Apple có thể đảo lộn trật tự của giới công nghệ

20:21 | 10/06/2020
Chia sẻ
Với quyết định tự thiết kế chip cho máy tính, Apple có thể đảo lộn trật tự của giới công nghệ.

Đại hội dành cho lập trình viên WWDC của Apple thường là nơi hãng công bố iOS, macOS mới, và vài năm nay hiếm khi có thông tin thú vị về phần cứng. 

Tuy nhiên, WWDC năm nay, diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 22/6, có thể mang lại một thay đổi lớn khi Apple rời xa Intel và công bố con chip máy tính của riêng mình.

Hai tuần nữa, Apple có thể đảo lộn trật tự của giới công nghệ - Ảnh 1.

Vi xử lý mới sẽ được tích hợp trên cả những mẫu máy mạnh nhất như Mac Pro. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, Apple sẽ công bố chip máy tính tự thiết kế vào WWDC 2020. Có tên mã Kalamata, đây là dự án đã được Apple triển khai từ lâu, và việc công bố tại WWDC năm nay sẽ giúp cho những nhà phát triển có thời gian để điều chỉnh trước khi các con chip mới được tích hợp vào máy Mac từ năm 2021. 

Kiến trúc của ARM khác biệt hoàn toàn so với các con chip Intel, do vậy những lập trình viên sẽ phải tinh chỉnh phần mềm để đạt hiệu năng cao nhất trên con chip mới.

Giống vi xử lý trên iPhone, nhưng mạnh hơn nhiều

TSMC, đối tác gia công chipset cho iPhone, iPad của Apple sẽ đảm nhận nhiệm vụ sản xuất chipset Mac mới. Vi xử lý này được thiết kế theo bản quyền của ARM, chế tạo dựa trên quy trình 5 nm giống chipset Apple A14 trên thế hệ iPhone và iPad Pro tiếp theo.

Sự khác biệt giữa vi xử lý trên máy tính và iPhone, iPad là chúng mạnh hơn rất nhiều. iPad Pro 2020 sử dụng chip A12Z Bionic Chip, với 4 nhân hiệu năng cao và 4 nhân tiết kiệm năng lượng để đảm bảo cân bằng hiệu năng cùng pin. 

Trong khi đó, máy Mac có thể trang bị 8 nhân hiệu năng cao và 4 nhân tiết kiệm năng lượng, khi pin không phải vấn đề quá lớn. Ngoài ra, vi xử lý này cũng được tối ưu để chạy hệ điều hành macOS thay vì iOS hay iPadOS, những hệ điều hành thuần cảm ứng.

Hai tuần nữa, Apple có thể đảo lộn trật tự của giới công nghệ - Ảnh 2.

Apple bắt đầu sử dụng vi xử lý Intel trên máy Mac từ năm 2005. Ảnh: Getty.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dòng máy Mac sử dụng CPU mà Apple tự thiết kế. Thời gian đầu, Apple dùng CPU do Motorola sản xuất. Tới thập niên 1990, hãng hợp tác với IBM để tạo ra chip PowerPC. 

Từ năm 2006, Apple lại sử dụng CPU của Intel trên máy Mac. Kế hoạch chuyển đổi lần này của Apple được đánh giá là giống năm 2006, khi hãng dần dần thay thế các vi xử lý sang thế hệ mới, kể cả những cỗ máy mạnh mẽ nhất như Mac Pro.

Theo Bloomberg, nhóm phát triển chip của Apple quyết định tích hợp chip vào máy tính khi nhận thấy CPU Intel cải thiện hiệu năng quá chậm trong vài năm qua. 

Họ lo ngại nếu tiếp tục đi theo lộ trình cập nhật chip của Intel, hiệu năng của máy Mac sẽ không được đảm bảo.

Thử nghiệm nội bộ của Apple cho thấy vi xử lý ARM trên máy Mac cho hiệu năng tốt hơn vi xử lý Intel, đặc biệt là hiệu năng đồ họa và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. 

Vi xử lý do Apple thiết kế cũng tiết kiệm điện hơn, mở ra khả năng có máy Mac mỏng, nhẹ hơn trong tương lai.

Intel sẽ phải đau đầu

Apple chỉ chiếm khoảng 10% thị phần máy tính, do vậy thay đổi này sẽ không khiến doanh thu Intel bị ảnh hưởng quá nhiều. 

Tuy nhiên, máy tính Mac vẫn được coi là dòng máy cao cấp, do vậy việc chuyển đổi của Apple có thể khiến các hãng khác cân nhắc làm điều tương tự. Tới nay nhiều hãng máy tính lớn như Lenovo, Samsung hay Microsoft đều đã ra mắt laptop dùng chip ARM.

Năm 2005, khi công bố hợp tác với Intel, CEO Steve Jobs cho rằng công nghệ của Intel sẽ giúp Apple "tạo ra những chiếc máy tính cá nhân tốt nhất trong 10 năm tới". 

15 năm kể từ sự hợp tác đó, Apple đã trở thành một trong những công ty thiết kế chip tốt nhất, khi hiệu năng chip Apple A của họ vẫn vượt trội so với chip của Qualcomm.

Hai tuần nữa, Apple có thể đảo lộn trật tự của giới công nghệ - Ảnh 3.

Nếu Apple thành công, các đối tác khác cũng có thể cân nhắc con đường tương tự. Đây sẽ là tin xấu nhất cho Intel. Ảnh: Bloomberg.

Những con chip Apple thiết kế không chỉ có chức năng xử lý tính toán, mà còn xử lý đồ họa và máy học, những tính năng rất quan trọng trong xử lý ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Apple đã theo đuổi dự án này nhiều năm, và có lẽ đã tới lúc họ tự tin để từ bỏ Intel.

"Đây sẽ là tin xấu về lâu dài với Intel. Chúng tôi cũng lo ngại về thị phần của hãng này trong tương lai", nhà phân tích Brad Gastwirth của Wedbush Securities nhận xét.

Dù vậy, Apple không dễ có thành công ngay lập tức. Việc chuyển sang vi xử lý tự thiết kế dựa trên nền tảng của ARM chứ không phải x86 như CPU Intel sẽ gặp nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp. 

Trước Apple, Qualcomm đã nghiên cứu vi xử lý nền ARM chạy trên máy tính nhưng tới nay chưa có kết quả mong đợi, bởi CPU Intel mạnh mẽ hơn.

Apple có lợi thế về mặt phần mềm, cho phép họ kết hợp cả phần cứng, phần mềm và hệ điều hành trên máy tính. 

Tuy nhiên, đây vẫn không phải nhiệm vụ đơn giản. Microsoft cũng tạo ra dự án "Windows on ARM" để hỗ trợ các hãng dùng vi xử lý ARM với hệ điều hành Windows, nhưng các máy tính này tới nay vẫn được đánh giá là kém hiệu quả, pin tệ hơn laptop thông thường.

Nhật Minh