|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lí do Apple không thể thay công nhân lắp ráp iPad bằng robot

04:03 | 07/06/2020
Chia sẻ
Với tham vọng dùng robot để thay thế hàng chục nghìn công nhân lắp ráp sản phẩm, Apple nhận thất bại vì các cỗ máy không thể thực hiện nhiều thao thác đòi hỏi sự tinh tế của con người.

Là một trong 4 tập đoàn công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới, Apple từng tạo ra các sản phẩm công nghệ đột phá. Nhưng robot lắp ráp của họ lại là một ngoại lệ. Vì một thất bại với những cỗ máy lắp ráp sản phẩm, Apple đã bỏ chúng và tái sử dụng công nhân.

"Robot và tự động hóa có vẻ thật tuyệt khi hoạt động. Nhưng một khi sự cố xảy ra, không ai có thể biết", David Bourne, người từng làm việc tại Foxconn, đối tác sản xuất chính của Apple, chia sẻ với The Information.

Với tư cách là nhà khoa học về nguyên lý hệ thống sinh học tại Viện Robot, Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), Bourne từng làm việc trong nhiều dự án tự động hóa tại Foxconn để sản xuất sản phẩm cho Apple.

Lí do Apple không dùng robot để lắp ráp sản phẩm - Ảnh 1.

Apple đã lập phòng thí nghiệm robot bí mật vào năm 2012, nằm cách trụ sở Apple Park khoảng 9,6 km. Ảnh: Apple Insider

Ban lãnh đạo Foxconn đã nêu ra ý tưởng tự động hóa cho Apple. Một nguồn tin kể rằng, năm 2012, các nhà lãnh đạo của Apple, bao gồm tổng giám đốc Tim Cook, đã đến Trung Quốc để quan sát dây chuyền tự động hóa của Foxconn. Họ thấy dàn robot đã lấy từng linh kiện rồi lắp ráp thành một máy tính bảng iPad hoàn chỉnh.

Chủ tịch Foxxcon khi đó là Terry Guo nói với ban lãnh đạo Apple rằng dây chuyền tự động hóa của họ sẽ có một triệu robot chỉ trong 2 năm.

7 năm sau, tức năm 2019, Foxconn chỉ có 100.000 robot trong dây chuyền sản xuất. Cả Foxconn và Apple đều không nêu nguyên nhân khiến họ áp dụng tự động hóa một cách chậm chạp.

Sau những nỗ lực đầu tiên của Foxconn, Apple đã lập phòng thí nghiệm robot bí mật vào năm 2012, nằm cách trụ sở Apple Park khoảng 9,6 km. Đội ngũ chuyên gia tự động hóa, kĩ sư robot làm việc trong phòng thí nghiệm với mục tiêu tạo ra robot có thể lắp ráp iPad như cỗ máy của Foxconn.

Mục tiêu của đội ngũ chuyên gia (theo chỉ đạo của ban lãnh đạo) là ràn robot của họ thay thế 15.000 công nhân, tương đương 50% nhân công mà Apple huy động vào những thời điểm quan trọng.

Bất ngờ thay, mục tiêu đó thất bại vì những robot không thể hoạt động chính xác như con người.

Ví dụ, robot không thể tính toán chính xác lượng keo cần thiết để kết dính các linh kiện theo tiêu chuẩn. Chúng cũng không thể đặt những con ốc nhỏ, cảm biến đúng vị trí, rồi siết chặt với một lực nhất định.

Rốt cuộc, Apple đóng phòng thí nghiệm vào năm 2018 vì không đạt mục tiêu. Một số nguồn tin nói ban lãnh đạo tập đoàn chuyển vài dự án của đội ngũ chuyên gia sang các bộ phận khác của Apple.

Đó không phải bộ phận duy nhất thực hiện sứ mệnh tự động hóa, cũng không phải thất bại lớn nhất trong kế hoạch áp dụng tự động hóa của Apple.

Nhạc Phong