Giá khí đốt tăng cao, Trung Quốc chịu ít rủi ro nhờ đa dạng nguồn cung
Theo Global Times, các chuyên gia cảnh báo giá khí đốt tự nhiên tăng cao trên toàn thế giới do nhu cầu tăng nhờ sự phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19 và chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ. Điều này sẽ kích thích tăng giá khí đốt tự nhiên tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ không quá tồi tệ như việc giá quặng sắt tăng bởi Trung Quốc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nhiều nguồn cung và đã ký nhiều hợp đồng giao sau dài hạn.
Kể từ tháng 6, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ, châu Á và châu Âu đều tăng mạnh nhờ các phương tiện truyền thông tăng cường thông tin về thời kỳ tiêu thụ khí đốt tự nhiên giá rẻ đã qua. Trong đó, các nước thuộc Đông Á, Châu Âu và Mỹ là những nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn nhất.
Trong nửa đầu năm 2021, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đạt 60 triệu tấn tương đương 136 tỷ nhân dân tệ (gần 21 tỷ USD), tăng 24% về lượng và tăng gần 10% về kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo khảo sát của cổng thông tin Chem365 (Trung Quốc) cho biết giá LNG nhập khẩu trung bình tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, ông Wang Ruiqi, nhà phân tích khí đốt tại trang thông tin hàng hóa tại Trung Quốc cho biết giá LNG giao ngay tăng tại các thị trường tiêu thụ lớn trên toàn cầu sẽ hạn chế nguồn cung ở Trung Quốc và đẩy giá lên.
Điều này đồng nghĩa với việc các ngành công nghiệp như gốm sứ, luyện kim, thủy tinh và hoa quả sấy khô của Trung Quốc sẽ phải cõng thêm nhiều chi phí.
Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung LNG được mua theo hợp đồng dài hạn và ít bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của thị trường giá LNG giao ngay trong thời điểm hiện tại.
Theo báo cáo của Wood Mackenzie, Trung Quốc đang trên đường trở thành thị trường tiêu thụ LNG lớn nhất thế giới vào năm 2021.
Năm 2020, LNG chiếm 60% lượng khí đốt sử dụng của Trung Quốc trong khi nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống có giá ổn định hơn, chiếm 40%.
Khí tự nhiên đã và đang là loại năng lượng thay thế được ưu tiên trong những loại năng lượng của Trung Quốc bởi quốc gia này nỗ lực theo đuổi tăng trưởng xanh và một chương trình nghị sự về khí hậu.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2020 nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đạt 102 triệu tấn, tương đương 231,5 tỷ nhân dân tệ, tăng 5% về lượng và giảm 19,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu trong năm 2020 giảm mạnh do đại dịch tấn công nền kinh tế thế giới.
Ông Wang dự đoán khối lượng nhập khẩu LNG sẽ tăng 20% trong năm nay do giá LNG tăng trong tầm kiểm soát.
Chia sẻ với Global Times, ông Jin Lei, Phó Giáo sư tại Đại học Dầu khí Trung Quốc cho rằng Trung Quốc có thể tăng cường nhập khẩu LNG nếu thời tiết khắc nghiệt và kinh tế phục hồi nhanh trong nửa cuối năm 2021.
"Không giống như quặng sắt, khí tự nhiên không thể được dự trữ nhiều. Do vậy, người bán khó có thể kiểm soát người mua.
Bên cạnh đó, nguồn nhập khẩu LNG của Trung Quốc rất đa dạng với 24 quốc gia. Trong đó, Australia cung cấp 46% lượng LNG nhập khẩu, sau đó đến Qatar, Malaysia và Indonesia.
Ngoài ra, top 5 nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc là Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Myanmar và Nga.
Tuy nhiên, Jin lưu ý rằng sự biến động giá hiện tại cho thấy giá trị của các hợp đồng cung ứng dài hạn.
Các đường ống vẫn đang hoạt động ở công suất thấp và nhập khẩu thông qua các đường ống nối Nga, Myanmar và các nước Trung Á nên được tăng cường để cân bằng với trọng lượng ngày càng tăng của nhập khẩu LNG ở Trung Quốc, ông Jin nói.