|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thô xuất khẩu trong tháng 5 tăng gấp đôi so với cùng kỳ

11:38 | 24/06/2021
Chia sẻ
Theo Tổng cục Hải quan, giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5 đạt 516 USD/tấn, tăng gấp đôi so với tháng 5/2020. Giá dầu thô xuất khẩu tháng 4 đạt 498 USD/tấn, tăng gấp gần 4 lần so với tháng 4/2020.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dầu thô trong tháng 5 đạt gần 253 nghìn tấn, giá trị gần 130,5 triệu USD, tăng 27,5% về lượng và tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô đạt gần 1,3 triệu tấn, trị giá gần 622 triệu USD, giảm hơn 39% về lượng, giảm hơn 10% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm, chỉ riêng giá dầu thô xuất khẩu trong tháng 1 giảm nhẹ, đạt 432 USD/tấn, giảm 28,5% so với tháng 1/2020. 

Trong khi giá dầu thô xuất khẩu các tháng còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng dương, đặc biệt giá dầu thô xuất khẩu trong tháng 4, 5 tăng vọt. 

Cụ thể, giá dầu thô xuất khẩu trong tháng 5 đạt 516 USD/tấn, tăng gấp đôi so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu trung bình dầu thô đạt 485 USD/tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá dầu thô xuất khẩu tháng 4 đạt 498 USD/tấn, tăng gần gấp 4 lần so với tháng 4/2020. 

Giá xuất khẩu dầu thô tăng trưởng khả quan, gấp đôi tháng 5/2020 - Ảnh 1.

Giá xuất khẩu trung bình dầu thô qua các tháng (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các quốc gia triển khai tiêm vắc xin toàn dân, kinh tế tiến triển theo hướng khả quan. Nhu cầu về dầu thô dần hồi phục và giá dầu đã tăng trở lại từ 6 tháng cuối năm 2020 khi thị trường dầu thô toàn cầu hợp lý hóa nguồn cung.

Việc nới lỏng giãn cách xã hội, đưa hoạt động sản xuất và sinh hoạt trở lại bình thường ở nhiều quốc gia giúp nhu cầu xăng dầu tăng lên.

Trong khi, nguồn cung được cắt giảm theo thỏa thuận của OPEC+ đã giúp thị trường xăng dầu thế giới khởi sắc và thị trường xăng dầu Việt Nam cũng khởi sắc theo.

Lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh, cho thấy nhu cầu về mặt hàng xăng dầu gia tăng mạnh mẽ, ngày 8 - 12/2 lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm 5,4 triệu thùng và tiếp tục giảm mạnh 5,8 triệu thùng trong ngày 17/2. Đồng thời, căng thẳng khu vực Trung Đông thúc đẩy đà tăng của giá dầu.

Dù vậy, mức tồn kho dầu toàn cầu được dự đoán là vẫn cao và công suất sản xuất dầu thô dư thừa sẽ hạn chế giá dầu tăng lên trong năm 2021. Thêm vào đó, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng hạn chế mức tăng giá dầu. Do đó, giá dầu thế giới chưa thể về mức như trước khi dịch COVID-19 xảy ra.

Theo cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nền kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu đạt mức 5,4 triệu thùng/ngày, có thể tăng 6% so với nhu cầu năm 2020.

Tuy nhiên, những khó khăn về logistics, vận tải sẽ tiếp tục kìm hãm nhu cầu vận chuyển dầu trong nửa đầu năm nay, ngay cả khi tác động này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

IEA dự báo nhu cầu sẽ tăng dần trong nửa cuối năm khi các chiến dịch tiêm chủng phủ sóng và hoạt động du lịch trở lại bình thường. 

Tuy nhiên, nhu cầu dầu mỏ năm 2021 sẽ khó trở về mức trước khủng hoảng, có thể thấp hơn 3,2% so với mức năm 2019. Nhu cầu dầu mỏ trong quý IV có thể đạt 1,4 triệu thùng/ngày.

Giá xuất khẩu dầu thô tăng trưởng khả quan, gấp đôi tháng 5/2020 - Ảnh 2.

IEA dự báo về nhu cầu dầu mỏ trong giai đoạn 2020 - 2021 (Nguồn: IEA)

Trước đó, giá dầu thô xuất khẩu lao dốc từ quý II/2020, đặc biệt trong tháng 4, 5/2020, lần lượt ở mức 128 USD/tấn, 229 USD/tấn.

Tổng cục Thống kê lý giải năm 2020, thị trường dầu thô đã trải qua cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ trong lịch sử. Giá dầu thế giới sụt giảm mạnh trong quý I của năm 2020.

Cụ thể, dầu thô Brent đã giảm từ gần 70 USD/thùng vào đầu tháng 1/2020 xuống dưới 20 USD/thùng vào tháng 4/2020 do tác động kép của dịch COVID-19 và cuộc chiến về giá nhằm giành giật thị phần giữa các đại gia dầu mỏ Saudi Arabia và Nga. 

Đây là mức thấp nhất trong hơn 18 năm qua, trước khi phục hồi lên khoảng 50 USD/thùng trong tháng 12/2020.

Thậm chí, dầu thô WTI còn xuống tới mức giá âm lần đầu tiên tại phiên giao dịch ngày 20/4/2020. Năm 2020 cũng là năm chứng kiến cú sốc về giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Việc tổ chức  các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) phải cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày, tương đương gần 10% nguồn cung toàn cầu, nhằm cân bằng thị trường trong trung hạn cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đã giảm nhiều so với trước đó.


Hoàng Anh