|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường năng lượng thờ ơ với xung đột ở Biển Đỏ, vì sao giá dầu lại đi lên trong những ngày gần đây?

15:45 | 05/02/2024
Chia sẻ
Xung đột ở Biển Đỏ không phải mối lo ngại lớn nhất của thị trường dầu mỏ.

Tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ. (Ảnh: Reuters). 

Giá dầu thô gần đây đã bật tăng, nhưng nguyên nhân không hẳn chỉ là vì căng thẳng ở Biển Đỏ. Tuần trước, giá dầu Brent giao sau từng tăng hơn 6% lên 83,55 USD/thùng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023.

Giá dầu đi lên sau khi các cơn bão mùa đông làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu thô của Mỹ và dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn vững vàng, báo hiệu nhu cầu mạnh mẽ dành cho nhiên liệu.

Đây là diễn biến đáng chú ý bởi trong thời gian qua thị trường dầu khá trầm lắng bất chấp nguy cơ cuộc chiến giữa Isarel và Hamas leo thang thành xung đột lớn ở Trung Đông. Hôm 29/1, giá dầu Brent giảm 1,4% dù ngày hôm trước phiến quân Houthi vừa tấn công vào một tàu chở dầu.

Dưới đây là những yếu tố chi phối diễn biến của thị trường dầu mỏ trong thời gian gần đây, theo tổng hợp của tờ Wall Street Journal (WSJ). 

Sản lượng của Mỹ

 

Giá dầu bắt đầu nhích lên sau khi các cơn bão mùa đông và thời tiết giá lạnh tràn vào nước Mỹ. Các mỏ dầu bị đóng băng ở Texas và North Dakota khiến sản lượng dầu thô của Mỹ sụt khoảng 1 triệu thùng/ngày trong tuần từ 12 đến 19/1, theo dữ liệu của chính phủ liên bang. Mức giảm này tương đương với 7,5% sản lượng dầu hàng ngày.

Tiếp đến, dữ liệu công bố tuần trước cho thấy GDP Mỹ tăng trưởng 3,3% trong quý IV (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), cao hơn nhiều dự báo chung của các nhà kinh tế là 2%. Dữ liệu tích cực này khiến giới chuyên gia phải nâng dự báo nhu cầu nhiên liệu của siêu cường số một thế giới. 

Mối nguy giảm bớt

 

Nguy cơ cuộc chiến Israel - Hamas lan rộng ra Trung Đông đã không trở thành chất xúc tác giúp giá dầu đi lên trong thời gian dài.

Trước tuần vừa qua, giá dầu Brent giao sau đã dao động quanh ngưỡng 70 USD/thùng suốt 6 tuần. Con số này thấp hơn hẳn mức giá trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10/2023.

Trong 6 tuần đó, giá dầu giữ nguyên ở mức thấp bất chấp các cuộc tấn công của nhóm Houthi vào tàu thuyền đi qua Biển Đỏ và xung đột bùng phát ở Iran, Bờ Tây và ngoài khơi Oman. Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết giá dầu thô gần đây không bao gồm phần bù rủi ro địa chính trị.

Thị trường giữ được sự bình tĩnh là do nguồn cung không chịu bất kỳ sự gián đoạn đáng kể nào. Ngoài ra trong hai năm qua, các nhà đầu tư đã từng chứng kiến giá dầu đi lên trong khoảng thời gian ngắn do các rủi ro nguồn cung nhưng rồi lại nhanh chóng đi xuống.

Tâm lý bình tĩnh

 

Giá quyền chọn dầu thô cho thấy thị trường không hề hoảng loạn. Thước đo độ biến động trên thị trường từng nhảy vọt sau khi Hamas tấn công Israel nhưng nay đã hạ xuống ngang bằng các giai đoạn bình thường khác.

Ông Miachel Hsueh, nhà phân tích của Deutsche Bank, dự đoán rằng có rất ít khả năng lực lượng Houthi sẽ mở rộng các cuộc tấn công sang tuyến đường thủy quan trọng hơn là eo biển Hormuz - nơi trung chuyển 1/5 lượng dầu mỏ thế giới. Lý do là Iran - đồng minh của nhóm này - cũng xuất khẩu thông qua eo biển Hormuz.

Gián đoạn nhỏ

 

Trong một lưu ý gần đây, JPMorgan Commodities Research cho biết tình trạng gián đoạn vận tải ở khu vực Biển Đỏ là không đáng kể và dễ giải quyết.

Đối với các tàu bị ảnh hưởng, các nhà phân tích của JPMorgan ước tính việc chuyển hướng khiến hành trình của họ tăng thêm 8 - 9 ngày và khiến giá dầu nhích khoảng 2 USD/thùng.

Nhìn chung, giá dầu sẽ không chịu nhiều tác động. Giá dầu Brent được giao trong tháng gần nhất đã tăng hơn 6,5 USD/thùng kể từ ngày 10/1, nhưng các hợp đồng giao sau này chỉ tăng khiêm tốn.

Nguồn cung dồi dào

 

Đà tăng của giá dầu bị kìm hãm bởi tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nguồn cung từ các nước ngoài OPEC bao gồm Mỹ, Brazil và Guyana đã giúp kiềm chế giá dầu tô trong năm 2023. Sang năm 2024, nguồn cung vẫn được kỳ vọng là sẽ tăng trưởng nhanh hơn nhu cầu.

Việc mở rộng các dự án khai thác ngoài khơi có thể khiến tình trạng dư thừa nguồn cung kéo dài đến năm 2025. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng của nhu cầu dầu thô được dự báo là sẽ chậm lại, một phần nhờ sự phổ biến của xe điện.  

Citi Research ước tính vào năm sau, trung bình mỗi ngày tồn kho dầu thô toàn cầu sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích của Citi cảnh báo “bão tố” sẽ ập đến thị trường dầu mỏ vào năm 2025.

Thừa công suất

 

Trong trường hợp thảm họa giáng xuống nguồn cung hay nhu cầu của thế giới dành cho nhiên liệu hóa thạch vượt quá kỳ vọng, công suất nhàn rỗi của các nhà sản xuất dầu mỏ vẫn có thể bù đắp lượng thiếu hụt.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC đã khiến các nước thành viên của nhóm này dư ra công suất khai thác lên tới gần 5 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn hẳn mức trung bình trước đại dịch.

Giang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).