|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá dầu tăng cao, lợi nhuận PV OIL vượt 44% kế hoạch năm

10:34 | 27/07/2021
Chia sẻ
Giá dầu Brent bình quân trong 6 tháng đầu năm thăng hoa đã giúp PV OIL có lãi trở lại. Như vậy, chỉ sau hai quý, công ty đã vượt 44% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021.
Giá dầu tăng cao, lợi nhuận PV OIL vượt 44% kế hoạch năm - Ảnh 1.

Một trạm xăng dầu của PV OIL. (Ảnh minh họa: Minh Hằng)

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần tăng 15% so với cùng kỳ lên 13.421 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 272 tỷ đồng, tăng 45%.

Doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới, cụ thể giá dầu Brent bình quân quý II là 68,97 USD/thùng tăng 133% so với cùng kỳ năm ngoái khiến lợi nhuận tăng.

Trong kỳ, các chi phí hoạt động được điều tiết, đồng thời công ty ghi nhận khoản lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết là 33 tỷ đồng so với khoản 500 triệu đồng cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PV OIL đạt 25.188 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty chuyển từ lỗ 350 tỷ đồng sang lãi 462 tỷ đồng. Song công ty vẫn đang lỗ lũy kế hơn 562 tỷ đồng tính đến cuối quý II.

Với kết quả này, PV OIL đã thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu hợp nhất năm và vượt 44% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021.

Giá dầu tăng cao, lợi nhuận PV OIL vượt 44% kế hoạch năm - Ảnh 2.

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của PV OIL tăng gần 3.000 tỷ lên 25.057 tỷ đồng, chủ yếu từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.

Tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng dưới một năm và chứng khoán kinh doanh hơn 9.345 tỷ đồng, giảm 100 tỷ và chiếm 37% tổng tài sản. Còn các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho trong kỳ đã tăng 45% lên 9.802 tỷ đồng và chiếm gần 40% tổng tài sản.

Bên cạnh đó, PV OIL ghi nhận 852 tỷ đồng nợ khó đòi với giá trị có thể thu hồi khoảng 34 tỷ đồng.

Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả gấp 1,28 lần vốn chủ sở hữu. Tổng nợ đi vay trong kỳ hơn 4.973 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, chủ yếu là nợ đi vay ngắn hạn.

Mỹ Linh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.