Giá cước biển và giá cho thuê tàu đi xuống, lãi ròng Xếp dỡ Hải An giảm 40% quý I
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I với 655 tỷ đồng doanh thu thuần, xấp xỉ so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng 48% lên 463 tỷ đồng, chủ yếu là giá vốn hoạt động tàu khiến biên lãi gộp giảm từ 52% cùng kỳ xuống 29% quý này.
Trong kỳ, các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp đều tăng so với quý I/2022 khiến lãi ròng giảm 40% xuống 119 tỷ đồng.
Xếp dỡ Hải An cho rằng, kết quả kinh doanh quý I thấp hơn cùng kỳ do sản lượng, doanh thu hoạt động cảng giảm vì nâng cấp sửa chữa mặt bãi. Hiện tại, số lượng tàu của công ty giảm từ 11 xuống 9 trong bối cảnh giá cước biển, giá cho thuê tàu suy giảm.
Năm nay, Xếp dỡ Hải An đặt mục tiêu 2.960 tỷ đồng doanh thu, 492 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với 126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, công ty đã hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận, 22% chỉ tiêu doanh thu.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản của công ty đạt 4.964 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 498 tỷ đồng.
Sau tài sản cố định, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (20%) trong cơ cấu tài sản của Xếp dỡ Hải An với 998 tỷ đồng.
Cuối quý I, tổng nợ vay của công ty khoảng 1.279 tỷ đồng, chiếm 26% tổng nguồn vốn. Ba tháng đầu năm, Xếp dỡ Hải An phải trả hơn 19 tỷ đồng tiền lãi.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của công ty ở mức 3.014 tỷ đồng gồm 1.104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Xét về dòng tiền, ba tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Xếp dỡ Hải An dương 168 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 124 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 81 tỷ đồng khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 37 tỷ đồng.
Loạt thách thức đè nặng
Trong báo cáo phân tích đầu tháng 4, Chứng khoán SSI cho rằng, sang năm 2023, giai đoạn mà dịch COVID -19 dần được đẩy lùi, các quốc gia (bao gồm cả Trung Quốc) đang tiến hành mở cửa lại biên giới thì tình trạng tắc nghẽn cảng không còn là vấn đề nhức nhối đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát cao kéo dài đang làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và hàng tồn kho cao là những thách thức cho hoạt động vận tải. Vấn đề này khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều.
Theo đơn vị phân tích, sản lượng vận chuyển dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023, tuy nhiên sẽ khó lặp lại sự bùng nổ như năm 2021. Mặt khác, áp lực gia tăng từ nguồn cung tàu mới sẽ khiến thị trường dư cung và khiến giá cước giảm.
SSI cho rằng, trong năm nay, Xếp dỡ Hải An có thể sẽ tập trung vào thị trường cho thuê tàu và các tuyến quốc tế. Vì công ty sẽ ưu tiên cho thuê tàu thay vì trực tiếp vận hành trong giai đoạn thị trường nội địa dư cung do giá thuê tàu đã chạm đáy ở mức 14.000 USD/ngày đối với tàu cỡ 1700 TEU, nên mức giá thuê này giúp các tàu của công ty duy trì lợi nhuận, ngay cả với những tàu cho chi phí đắt hơn nhiều.
Hơn nữa, việc mở rộng thị trường quốc tế với Liên doanh ZIM – Hải An sẽ mang lại cho công ty sự đa dạng hóa để thoát khỏi tình trạng dư cung trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, các dịch vụ mới có thể hoạt động dưới mức hòa vốn trong khoảng từ 3 đến 6 tháng trước khi có lãi.