|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cá tra đồng loạt giảm, người dân thua lỗ nặng

15:10 | 18/08/2021
Chia sẻ
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế biến cá tra bị đảo lộn, thậm chí giảm công suất hoặc đóng cửa vì dịch COVID-19. Điều này khiến giá cá tra nguyên liệu đồng loạt giảm mạnh.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết sau khoảng một tháng các địa phương ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội và doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ"; "1 cung đường - 2 địa điểm", hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra cũng bị đảo lộn và gặp không ít khó khăn. 

Hiện nay, nhiều ao nuôi cá tra đã bắt đầu thu hoạch nhưng giá cá nguyên liệu đã giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg so với trước. 

Đúng thời điểm mà thị trường tiêu thụ đầu ra có nhiều khả quan, tích cực thì dịch COVID-19 lại ngăn cản kế hoạch nuôi, kinh doanh, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp cá tra trong hai quý cuối năm.

Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp - địa phương có diện tích và sản lượng nuôi cá tra lớn nhất cả nước, tính tới ngày 8/8/2021, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh đạt hơn 1.600 ha (trong đó diện tích năm 2020 chuyển sang hơn 1.072 ha); diện tích thu hoạch gần 553 ha, sản lượng thu hoạch trên 223 nghìn tấn. 

Tới giữa tháng 8/2021, giá cá tra nguyên liệu giảm xuống còn 20.500 – 21.500 đồng/kg. Chi phí trung bình để sản xuất 1 kg cá nguyên liệu khoảng 22.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ 900 - 1.400 đồng/kg.

Trong thời gian giãn cách vừa qua, tại Đồng Tháp, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản đến vùng nuôi thủy sản đảm bảo thông suốt và phương tiện vận chuyển đảm bảo thực hiện đúng theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại như: thời hạn của Giấy xác nhận kết quả test nhanh quá ngắn gây tốn chi phí và thời gian thực hiện.

Tại cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh Đồng Tháp, các doanh nghiệp cá tra của địa phương cho biết, khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến các tra là thực hiện "3 tại chỗ" vì phát sinh quá nhiều chi phí, công và lương người lao động tăng, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn; người lao động không muốn làm "3 tại chỗ" vì xa nhà.

Các doanh nghiệp giảm công suất chế biến hoặc đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đề xuất thực hiện linh hoạt "3 tại chỗ" hay "1 cung đường - 2 điểm đến" và doanh nghiệp được chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe, test COVID-19 trước khi vào làm việc tại nhà máy đối với công nhân và người lao động.

Hiện nay, Sa Đéc, Lai Vung, Cao Lãnh là ba "vùng nóng" dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Đồng Tháp. Nhưng theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh, sản lượng nuôi của các địa phương này không lớn. Hiện nay, hầu hết các vùng nuôi cá tra lớn vẫn đang nằm trong "vùng xanh an toàn". 

Do đó, cho tới nay, hoạt động nuôi cá tra tại Đồng Tháp vẫn duy trì ổn định. Giá cá nguyên liệu giảm là do nhiều nhà máy chế biến hạn chế mua vào do giảm công suất hoặc tạm thời đóng cửa nghỉ do dịch bệnh.

Tại Cần Thơ, giá nhiều loại cá nuôi cũng giảm dưới giá thành sản xuất, người nuôi lỗ nặng. Theo thống kê, tại Cần Thơ, giá thành nuôi cá tra xuất khẩu ở mức 22.000-23.000 đồng/kg nhưng cá tra nguyên liệu chỉ bán được giá 21.000-21.500 đồng/kg trở lại nên người nuôi cá tra cũng bị lỗ vốn. 

Tính tới hết tháng 7, diện tích thả nuôi cá tra của thành phố Cần Thơ đạt hơn 548 ha, đạt 74% so với kế hoạch cả năm là 736 ha. 

Hiện nay, nguồn cung cá tra cho xuất khẩu đang dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngưng hoặc tạm ngưng mua nguyên liệu. Điều này dẫn tới giá cá giảm so với tháng trước đó.

Tại Vĩnh Long, tính tới hết tháng 7, toàn tỉnh có trên 2.100 ha nuôi trồng thủy sản, giảm gần 55 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá tra thâm canh hơn 334 ha, giảm 12,2 ha. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lan rộng nên việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra ngưng hoạt động hoặc giảm công suất nên giá cá tra nguyên liệu tại Vĩnh Long cũng rơi xuống.

Trong tháng 7, giá cá tra tại Vĩnh Long dao động từ 20.000- 22.000 đồng/kg, người nuôi cá tra không có lời, nếu phải thuê mướn ao hầm thì lỗ càng nhiều hơn. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi cá tra thâm canh, dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới. 

Kể từ quý II/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường như: Mỹ, Brazil, Mexico, Thái Lan, Canada, Colombia, Nga, UAE… bắt đầu tăng tích cực trở lại. Điều này tiếp thêm năng lượng và niềm hi vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL trong hai quý cuối năm. 

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã lan rộng từ TP HCM xuống các tỉnh miền Tây trong thời gian ngắn. 

VASEP cho biết mặc dù đã tính toán trước kịch bản sẵn sàng ứng phó trong tình huống này nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra không tránh khỏi bị động và ảnh hưởng nghiêm trọng. 

"Chỉ khi doanh nghiệp chế biến cá tra khôi phục lại sản xuất, tăng công suất trở lại bình thường thì giá cá tra nguyên liệu mới có thể tăng", hiệp hội nhận định.

H.Mĩ