|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra nửa cuối năm 2021: Lực cản lớn đến từ Trung Quốc, EU và chi phí logistics

14:45 | 15/08/2021
Chia sẻ
Những tín hiệu bất lợi đến từ thị trường Trung Quốc, EU và chi phí logistics được cho là lực cản đối với xuất khẩu cá tra từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, thị trường Mỹ bắt đầu phục hồi trở lại giúp triển vọng ngành trở nên tích cực hơn.

Nhiều yếu tố bất lợi đến từ EU và Trung Quốc

Mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng hoạt động xuất khẩu cá tra dự kiến còn gặp nhiều lực kiểm từ thị trường EU và Trung Quốc. Hoạt động kiểm tra chặt chẽ hơn liên quan đến COVID-19 của Trung Quốc đối với nhập khẩu thực phẩm đông lạnh sẽ làm trì hoãn xuất khẩu thủy sản. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), thủ phủ của tỉnh Quảng Châu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các thành phố khác như Phật Sơn, Thâm Quyến, Trạm Giang, Maoming cũng đã báo cáo các trường hợp dương tính. 

Cảng Trạm Giang, một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm ngừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác từ 20/6 đến 15/7/2021. 

Nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá thịt trắng Trung Quốc cũng gặp khó khăn, do đó, lượng hàng cá thịt trắng cho xuất khẩu tại Trung Quốc còn khá lớn.

6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 206,5 triệu USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 11,3%. 

"Có thể thấy rằng, nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc không dễ. Cũng tương tự như các thị trường cung cấp thủy sản lớn, doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi COVID-19", VASEP nhận định. 

VDSC nhận định: “Chúng tôi lo ngại vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa cuối năm 2021 do các đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng mới”.

Ở thị trường Châu Âu, giá bán trung bình cá tra thấp do xuất khẩu cá tra của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại sản phẩm cá thịt trắng đang giảm giá. Theo Kontali, sản lượng cá thịt trắng năm 2021 dự kiến đạt 13 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu cá trắng của EU giảm 17% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Sự bùng phát COVID tại Việt Nam đã khiến nhiều nhà máy thủy sản bị ngừng hoạt động. Logistics trong nước được thắt chặt để kiểm soát COVID, gây ra chậm trễ trong các chuyến hàng. Theo VASEP, chi phí logistics của các công ty thủy sản đã tăng 5-7 lần, đặt áp lực lên biên lợi nhuận.

Lực đỡ đến từ thị trường Mỹ

VDSC nhận định mặc dù các ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng có thể làm giảm nhu cầu dịch vụ ăn uống, nhưng thị trường Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm 2021 do việc triển khai tiêm vắc xin thành công.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cuối tháng 6/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ ngày 01/8/2018 - 31/7/2019.

Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này được hưởng mức thuế CBPG 0%. Đây là tin vui cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Trước đó, kể từ đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã từng bước hồi phục dần dần và tăng trưởng dương. Tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 34,4 triệu USD, tăng 68%.

Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 168,7 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo, trong quý tới, mức tăng trưởng dương này sẽ còn được duy trì.

Ngoài ra, giá bán cá tra sang thị trường Mỹ đang phục hồi mạnh cũng là yếu tố tích cực tại đối với mặt hàng cá tra.

H.Mĩ