Giá cà phê tăng vọt khiến hai ông lớn xuất khẩu của Brazil điêu đứng vì nợ
Hai công ty Atlântica Exportação e Importação SA và Cafebras Comércio de Cafés do Brasil SA đã nộp đơn lên tòa án địa phương xin gia hạn ân hạn 60 ngày. Đây là bước đi ban đầu để các doanh nghiệp đàm phán với chủ nợ, nhằm tránh việc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản chính thức, theo luật sư Daniel Vilas Boas của hai công ty.
Trong tài liệu do nhóm luật sư của hai công ty gửi tòa án, Atlântica được mô tả là một trong những nhà xuất khẩu cà phê arabica lớn nhất Brazil, chiếm 8% thị phần. Cả hai công ty đều thuộc Tập đoàn Montesanto Tavares Particiações SA, trụ sở tại bang Minas Gerais, Brazil.
Động thái này cho thấy mức tăng đột biến của giá cà phê có thể trở thành gánh nặng cho các nhà xuất khẩu, những người mua bán cà phê vật lý và sử dụng thị trường tương lai để phòng ngừa rủi ro. Theo đó, giá hợp đồng tương lai cà phê arabica đã tăng hơn 70% trong năm nay. Các công ty đang phải đối mặt với chi phí phòng ngừa rủi ro tăng cao do các yêu cầu ký quỹ lớn hơn.
"Tình trạng giá cả tăng không thể đoán trước trong năm 2024 đã gây hậu quả lớn đối với tài chính của họ, khiến dòng tiền trở nên căng thẳng hơn khi họ liên tục phải đáp ứng các yêu cầu ký quỹ," theo tài liệu công bố ngày 26/11.
Trong thư gửi khách hàng do ban lãnh đạo của hai công ty ký, Atlântica và Cafebras khẳng định vẫn duy trì hoạt động bình thường và bày tỏ niềm tin sẽ vượt qua khó khăn này.
Giá hợp đồng tương lai cà phê tại New York tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch thứ Tư, đạt mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ.
Giá cà phê arabica, loại hạt được ưa chuộng trong các dòng cà phê đặc sản, đã tăng tới 3,9%, chạm mức cao nhất kể từ năm 1977 và hiện tăng gần 70% trong năm nay. Hạn hán nghiêm trọng tại Brazil hồi đầu năm đã làm dấy lên lo ngại về sản lượng của quốc gia này. Trong khi đó, khu vực trồng cà phê chính tại Việt Nam cũng đối mặt với tình trạng khô hạn kéo dài trong giai đoạn canh tác, cùng với mưa lớn xuất hiện ngay khi thu hoạch bắt đầu.
Brazil và Việt Nam là hai nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Trong đó, Brazil tập trung vào hạt arabica cao cấp và Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường robusta với giá rẻ hơn.
Đợt tăng giá này đang gây áp lực lớn hơn lên các quán cà phê và nhà rang xay, khiến chi phí cho người tiêu dùng tăng mạnh. Các nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng đã tăng giá bán và cắt giảm các chương trình giảm giá để bảo vệ biên lợi nhuận. Nestlé SA, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, cho biết vào tháng 11 rằng họ sẽ tăng giá sản phẩm và giảm kích thước bao bì để giảm thiểu tác động từ giá hạt cà phê tăng cao.
"Các yếu tố thúc đẩy đợt tăng giá lần này khá phức tạp, bao gồm lo ngại về sản lượng của Brazil trong mùa vụ 2025-2026, cùng với các thách thức về vận chuyển và logistics.”, nhà phân tích Carlos Mera của ngân hàng Rabobank nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng những yếu tố như sự bất định về thời điểm áp dụng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu và việc đẩy mạnh bán hàng sang Mỹ trước nguy cơ áp thuế thương mại dưới thời chính quyền Trump cũng góp phần vào biến động này.
Giá cà phê arabica hiện tăng 2,6% lên mức 3,17 USD/pound tại New York, đánh dấu ngày tăng thứ sáu liên tiếp. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) trong 14 ngày đã vượt mức 70, cho thấy thị trường có thể đang trong vùng quá mua.