|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê sẽ tiếp tục đà tăng nhờ nguồn cung của Brazil và Việt Nam bị thắt chặt?

10:42 | 26/07/2021
Chia sẻ
Giá cước vận chuyển quá cao khiến việc giao hàng từ các nước sản xuất lớn Brazil, Việt Nam bị chậm lại cũng góp phần đẩy giá cà phê tăng. Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê robusta sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giữa tháng 7, giá cà phê robustaarabica toàn cầu tăng. Thời tiết sương giá tại Brazil và báo cáo tồn kho ở Bắc Mỹ giảm 1,21% (giảm 1.810 tấn), xuống 147.320 tấn (2,4 triệu bao), tính đến ngày 12/7, giúp giá cà phê arabica phục hồi, bất chấp hoạt động bán hàng vụ mùa mới của người trồng cà phê Brazil

Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển quá cao khiến việc giao hàng từ các nước sản xuất lớn Brazil, Việt Nam bị chậm lại cũng góp phần đẩy giá cà phê tăng. 

Cơ quan Phát triển cà phê Uganda (UCDA) báo cáo, xuất khẩu cà phê của Uganda, nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất châu Phi, trong tháng 6 đạt gần 620 nghìn bao, mức cao nhất kể từ năm 1991, tăng 47% so với tháng 6/2020. 

Lũy kế 9 tháng đầu niên vụ 2020-2021, xuất khẩu cà phê của Uganda đạt 4,5 triệu bao, tăng hơn 700 nghìn bao (18,95%) so với 9 tháng đầu niên vụ 2019-2020.

Trên sàn giao dịch London, ngày 19/7, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 9/2021 và tháng 11/2021 cùng tăng 3,5% so với ngày 9/7, lên mức 1.767 USD/tấn và 1.756 USD/ tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 19/7 giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2021 và tháng 12/2021 tăng lần lượt 6% và 5,8% so với ngày 9/7, lên mức 161,3 US cent/pound và 164,1 US cent/pound.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê robusta sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm một số biện pháp kích thích kinh tế do lo ngại lạm phát cao khi giá tiêu dùng trong tháng 6/2021 của khu vực Eurozone tăng 1,9% so với tháng 6/2020, sau khi đã tăng 2% trong tháng 5/2021. 

Đây có thể là yếu tố kìm hãm đà tăng giá cà phê, cho dù nguồn cung từ các nước sản xuất robusta lớn giảm

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết giá cước vận chuyển các tuyến Châu Á sang Châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục dự kiến kéo dài tiếp trong tháng 7. 

Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB mà muốn người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm... khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn. 

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao, xuất khẩu cà phê nhân dự báo tăng 3 triệu bao lên 26,0 triệu bao, giúp giảm nhẹ tồn kho. 

H.Mĩ