|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê nhân chạm đỉnh sau 7 năm

14:42 | 09/08/2021
Chia sẻ
Đợt sương giá kinh hoàng nhất trong nhiều thập kỷ khiến sản lượng cà phê của nhà sản xuất cà phê hàng đầu Brazil hao hụt đáng kể. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng phi mã dự kiến ​​sẽ đẩy giá cà phê bán lẻ chạm đỉnh trong vài tuần tới.

Theo Reuters, đợt lạnh giá tồi tệ nhất ở Brazil kể từ năm 1994 đẩy giá cà phê nhân lên mức cao nhất trong gần 7 năm và dự kiến mức tăng này sẽ được chuyển sang người tiêu dùng khi họ mua cà phê rang hoặc cà phê xay trong siêu thị.

Cà phê arabica trên sàn giao dịch dịch liên lục địa (ICE) của Mỹ đã tăng gấp đôi giá trong một năm qua khi sản lượng cà phê của Brazil giảm sau đợt khô hanj tồi tệ nhất trong 91 năm, nhiều diện tích cà phê bị héo úa, chết rũ.

Đến nay, mức độ thiệt hại vẫn đang được đánh giá nhưng ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề có thể mất 7 năm để sản xuất phục hồi hoàn toàn.

Trong khi sản lượng cà phê của thủ phủ Brazil giảm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì việc thiếu container, thiếu tàu khiến quá trình vận chuyển bị gián đoạn, đẩy giá cước logistics đến các thị trường lớn như Bắc Mỹ và Châu Âu tăng mạnh.

Một thương nhân cho rằng giá cà phê rang, xay tại các siêu thị sẽ tăng và chi phí cho một ly cà phê latte, Americano tại các chuỗi cà phê cũng sẽ đắt hơn trong ngắn hạn.

"Cà phê rang và xay trong siêu thị chỉ có chi phí cà phê và bao bì. Tuy nhiên, cà phê mua ở Starbucks có thể cao hơn trong siêu thị vì bạn phải trả thêm chi phí dịch vụ cho quán, wifi… nhưng cũng không cao quá nhiều", ông nói thêm.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá cà phê xay trung bình đã tăng lên mức đỉnh 4,75 USD/lb vào tháng 4, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2015 do hạn hán ảnh hưởng đến cho sản lượng cà phê của Brazil. Động thái này dự báo giá cà phê và giá bán lẻ cà phê sẽ tiếp tục tăng sau đợt sương giá.

Cơ quan thống kê của Chính phủ Brazil (IBGE) cho biết giá cà phê rang xay tăng gần 3,5% trong tháng 6 và dự báo đà tăng giá vẫn chưa dừng lại.

Sau đợt băng giá vào tháng 7, tập đoàn cà phê hàng đầu của Brazil Abic đã yêu cầu các nhà rang xay phân tích chi phí và điều chỉnh giá cho phù hợp để duy trì hoạt động kinh doanh.

Abic ước tính từ tháng 12/2020 đến cuối tháng 7, các công ty đồng loạt có thông báo tăng giá và giá cà phê nhân cho các nhà rang xay ở Brazil tăng khoảng 80%.

Công ty cà phê JDE Peet's lý giải giá cà phê tăng do chi phí nguyên liệu, vận chuyển leo thang trong vòng một năm qua. Những biến động giá cà phê nhân được phản ánh trên thị trường thông qua giá bán lẻ.

Giá cà phê nhân chạm đỉnh sau 7 năm - Ảnh 1.

Giá cà phê nhân sẽ phản ánh trên thị trường thông qua giá bán lẻ (Ảnh: Credihealth)

Reuters phân tích sự thiếu hụt container, chi phí vận chuyển tăng cao cũng góp phần đẩy giá cà phê bởi trái ngược với các mặt hàng như ngũ cốc được vận chuyển bằng tàu hàng rời, cà phê phải vận chuyển bằng tàu chuyên chở container.

Trong bối cảnh giá cà phê và chi phí logisitcs cùng tăng, nhiều công ty cà phê thấy may mắn vì đã ký hợp đồng kỳ hạn từ vài tháng trước, giảm áp lực cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn.

Ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành của Nestle cho biết: "Chúng tôi đã thiết lập một chiến lược tài chính nhằm đưa nguy cơ rủi ro về mức thấp nhất nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu thụ cà phê cho đến vài tháng đầu năm sau. Do đó, trong ngắn hạn chúng tôi không quá phải lo lắng về vấn đề này".

Ông Carlos Santana, trưởng bộ phận kinh doanh cà phê của Eisa Interagricola, một đơn vị của Ecom Trading cho biết việc vận chuyển cà phê đang là thách thức lớn, đặc biệt là tới thị trường châu Mỹ.

"Nếu vận chuyển bằng đường thủy thì không đem lại kinh tế cho doanh nghiệp. Bởi, các cảng ở Mỹ hiện đang quá tải, các công ty vận tải biển không nhận chở thêm hàng hóa. Do đó, nếu muốn xuất hàng đi, doanh nghiệp phải trả chi phí logisitcs cao hơn gấp 3 lần so với thời điểm trước đại dịch", ông Carlos nói.

Bên cạnh đó, ông Thiago Cazarini, một nhà môi giới cà phê ở bang Minas Gerais của Brazil cho biết ngay cả khi doanh nghiệp trả giá cao hơn nhiều để có container, các nhà xuất khẩu vẫn gặp vấn đề trong việc chất hàng lên tàu. Không chỉ cà phê, tất cả ngành hàng đều chịu chung cảnh ngộ.

Một nhà nhập khẩu cà phê Mỹ cho biết: "Logistics ở Brazil đang là mớ hỗn loạn. Chúng tôi có những hợp đồng được ký trước đó 2 tháng nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được hàng".

Julian Thomas, giám đốc điều hành của Maersk Brazil, một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới lý giải các cảng hàng hóa Brazil tắc cứng do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh mẽ, ảnh hưởng chuỗi cung ứng trong và ngoài Brazil.

"Chúng tôi cũng đang làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng".

Một chủ hàng container ở Đức cũng thừa nhận có sự chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa. Đối với ngành cà phê có phần khó hơn vì Brazil chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê toàn cầu và cao điểm mùa vận chuyển đã bắt đầu.

Hoàng Anh