Giá cà phê hôm nay (28/9) tiếp tục tăng nhẹ, giá tiêu đi ngang
Cập nhật giá cà phê
Giá cà phê hôm nay (28/9) tiếp tục tăng 100 đồng/kg ở khu vực Tây Nguyên lên 32.400 - 33.000 đồng/kg, theo số liệu từ trang Giacaphe.com. Trong đó, giá cà phê tỉnh Lâm Đồng thấp nhất ở mức 32.400 đồng/kg và cao nhất tại Gia Lai đạt 33.000 đồng/kg.
Giá cà phê giao tại cảng TP HCM tăng 5 USD/tấn lên 1.436 USD/tấn.
Giá cà phê trong nước
|
Theo báo Nông ngiệp Việt Nam, chỉ còn một tuần nữa là đến niên vụ cà phê 2018 - 2019, nhưng giá cà phê liên tục xuống thấp, gây lo ngại lớn cho ngành cà phê.
Liên tục giảm trong thời gian qua, tính đến đầu tuần này, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên chỉ còn khoảng 32.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2016.
Dù giá cà phê xuống thấp và niên vụ mới đang cận kề, hoạt động mua bán ở Tây Nguyên vẫn rất ảm đạm. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vẫn tập trung giao hết hàng tồn kho để chuẩn bị nhận cà phê vụ mới. Giá quá thấp cũng khiến nhiều nông dân không mặn mà bán ra cà phê vụ cũ dù vụ thu hoạch mới đang cận kề.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao tháng 11 trên sàn ICE lúc 16h30 ngày 27/9 tăng 0,3% lên 1.517 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn New York lúc 17h30 ngày 27/9 tăng 1,4% lên 99,2 UScent/pound.
Trước đà lao dốc của giá cà phê toàn cầu, các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới và những khách hàng lớn của ngành cà phê vừa tổ chức một cuộc họp khẩn nhằm tìm cách đẩy giá cà phê tăng trở lại. Thông tin tại cuộc họp cho thấy, nguồn cung cao kỷ lục từ vụ thu hoạch mới ở Brazil là nguyên nhân chính gây sức ép lớn lên giá cà phê toàn cầu.
Cập nhật giá hồ tiêu
Giá hồ tiêu trung bình hôm nay đi ngang ở mức 51.000 đồng/kg. Qua tìm hiểu, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu phần lớn ở dạng thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm, chưa có thương hiệu, điều kiện bảo quản và chế biến sâu chưa được đầu tư nhiều, giá trị gia tăng thấp.
Đối với người trồng, thông tin về kỹ thuật sản xuất và thị trường còn hạn chế, hiện tượng thương lái thao túng thị trường vẫn xảy ra.
Bên cạnh đó, chất lượng hồ tiêu Việt Nam không đồng đều do nhiều địa phương có thổ nhưỡng không phù hợp. Việc sử dụng phân hóa học, chất kích thích không đúng liều lượng khiến cây tiêu dễ bị nấm tấn công và nhiễm chất hóa học. Điều này dẫn đến hạt tiêu Việt Nam giảm sức cạnh tranh và uy tín trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, các nước đang nâng hàng rào kỹ thuật đối với tiêu nhập khẩu từ Việt Nam. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đang có kế hoạch xem xét nâng mức giới hạn tối đa cho phép MRL đối với một số hoạt chất, bao gồm Arcrimnathril, Tricyclazole, Metalaxyl… với hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam.
Từ cuối năm 2016, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến nâng mức MRL đối với Metalaxyl sử dụng trong hồ tiêu nhập khẩu từ 0,1ppm lên 0,05ppm. Trước phản đối của Việt Nam và Ấn Độ, sau quá trình đàm phán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương, EC đã giữ nguyên mức MRL Metalaxyl ở mức 0,1 ppm đến hết năm 2018.
Sau năm nay, nếu kiến nghị của EC về MRL đối với hồ tiêu nhập khẩu được thông qua, hơn 80% lượng hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu vào EU có khả năng gặp khó khăn.
Cập nhật giá cao su
Trên sàn TOCOM (Nhật Bản), giá cao su giao tháng 2/2019 lúc 10h05 hôm 28/9 (giờ địa phương) giảm 1,5% xuống 163,1 yen/kg, khối lượng giao dịch đạt 550 giao dịch. Tại Sàn SHFE (Thượng Hải), lúc 9h13 ngày 28/9 (giờ địa phương), giá cao su giao tháng 1/2019 giảm 145 nhân dân tệ xuống 10.730 nhân dân tệ/tấn.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp Campuchia đang hợp tác xây dựng dự án nâng cao chất lượng trồng cao su và mức sống của nông dân sản xuất nhỏ ở Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Kế hoạch hiện đang được các bên liên quan soạn thảo và dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần này.
Dự án mới này được công bố vào tuần trước trong một cuộc họp giữa Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia Veng Sakhon và ông Pierre-Marie Bosc - quan chức cấp cao của FAO.
Ông Bosc cho biết, dự án sẽ liên quan đến thu thập dữ liệu từ mỗi quốc gia, phân tích và so sánh từng bộ dữ liệu để đánh giá hiệu quả, năng suất của ngành cao su các nước. Ông cho biết chương trình đang được thiết kế với sự hợp tác của trung tâm nghiên cứu Pháp CIRAD.
"Chúng tôi nhận thấy nông dân thu hoạch mủ cao su gặp một số vấn đề, đặc biệt là giá cả, biến đổi khí hậu và năng suất trì trệ...", ông Bosc nói.