Giá cà phê hôm nay (13/10) tiếp tục tăng, giá tiêu duy trì ở 54.000 đồng/kg
Cập nhật giá cà phê
Giá cà phê hôm nay (13/10) tiếp tục tăng 500 đồng/kg ở khu vực Tây Nguyên lên 36.100 - 36.700 đồng/kg, theo số liệu từ trang giacaphe.com. Trong đó, giá cà phê tỉnh Lâm Đồng thấp nhất ở mức 36.100 đồng/kg và cao nhất tại Gia Lai đạt 36.700 đồng/kg.
Giá cà phê giao tại càng TP HCM tăng 36 USD/tấn lên 1.571 USD/tấn.
Giá cà phê trong nước
|
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao tháng 11 trên sàn ICE lúc 16h30 ngày 12/10 tăng 1,2% lên 1.713 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn New York lúc 17h29 ngày 12/10 tăng 2,8% lên 116,2 UScent/pound.
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), trái ngược với sản lượng, tiêu thụ cà phê trên thé giới tăng trưởng ổn định ở mức trung bình hàng năm 2%, từ mức 960,28 triệu bao trong năm 1990 – 1991 lên 162,12 triệu bao giai đoạn 2017 – 2018.
ICO chỉ ra, mức tăng lớn nhất được dự báo tại Nam Mỹ, với tiêu thụ ước đạt 26,97 triệu bao, tăng 3,3% so với niên vụ 2016 – 2017, với sự tăng trưởng chủ yếu nhờ Brazil. Trong khi đó, tiêu thụ tại châu Á – Thái Bình Dương ước tăng 3% lên 35,8 triệu bao, tiêu thụ tại Bắc Mỹ tăng 2,6% lên 30,34 triệu bao.
Tổng xuất khẩu cà phê toàn thế giới trong tháng 7 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,11 triệu bao. Xuất khẩu của nhóm cà phê Arabica Colombia tăng 8% lên 1,18 triệu bao, và nhóm cà phê Arabica Brazil tăng 11,5% lên 2,38 triệu bao. Trong khi đó, xuất khẩu của nhóm cà phê Arabica từ các quốc gia khác giảm 2,4% xuống 2,57 triệu bao.
Xuất khẩu từ nhóm cà phê Robusta tăng 4,7% lên 3,99 triệu bao. Như vậy, tổng khối lượng cà phê xuất khẩu trong giai đoạn tháng 10/2017 – 7/2018 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của nhóm cà phê Robusta dẫn đầu đợt tăng trưởng này, đạt 37,81 triệu bao, tăng 3,6% so với một năm trước, sau đó là xuất khẩu của nhóm cà phê Arabica từ các quốc gia khác, tăng 3,5% lên 23,69 triệu bao.
Cập nhật giá hồ tiêu
Giá tiêu hôm nay trung bình đạt 54.000 đồng/kg, không đổi so với hôm qua. Giá tiêu hiện nay chỉ bằng 1/4 so với mức kỷ lục và bằng giá thành sản xuất.
Đây là cái kết dễ hiểu của ngành tiêu khi diện tích trồng vượt đến 300% so với quy hoạch. Cụ thể, theo Quyết định 1442/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mục tiêu quy hoạch là phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích trồng tiêu cả nước duy trì ở mức 50.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, diện tích trồng tiêu đã lên tới 152.000 ha, hơn ba lần mục tiêu của Bộ.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2017 tăng lên khoảng 470.000 tấn, trong đó nguồn cung từ Việt Nam đóng góp hơn 50%. “Tồn kho hồ tiêu thế giới hiện nay khoảng trên 100.000 tấn”, ông Hải nói thêm.
Theo Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương), 95% lượng tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu, nhu cầu hồ tiêu thế giới chỉ khoảng 300.000 - 350.000 tấn/năm.
Cập nhật giá cao su
Trên sàn TOCOM (Nhật Bản), giá cao su giao tháng 2/2019 lúc 10h00 ngày 12/10 (giờ địa phương) tăng 0,1% lên 167,6 yen/kg, khối lượng giao dịch đạt 171 giao dịch.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp Campuchia đang hợp tác để thiết lập một dự án tập trung nhằm nâng cao chất lượng trồng cao su và mức sống của nông dân sản xuất nhỏ ở Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Kế hoạch dự án hiện đang được các bên liên quan soạn thảo và dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần này.
Kế hoạch về dự án mới đã được công bố vào tuần trước trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia Veng Sakhon và quan chức cấp cao của FAO Pierre-Marie Bosc.
Ông Bosc cho biết, dự án sẽ liên quan đến việc thu thập dữ liệu từ mỗi quốc gia, phân tích và so sánh từng bộ dữ liệu để đánh giá hiệu quả, năng suất của ngành cao su các nước. Ông cho biết chương trình đang được thiết kế với sự hợp tác của trung tâm nghiên cứu Pháp CIRAD.
"Chúng tôi nhận thấy nông dân thu hoạch mủ cao su gặp một số vấn đề, đặc biệt là giá cả, biến đổi khí hậu và năng suất trì truệ...", ông Bosc nói.
Bộ trưởng Veng Sakhon cho biết, Chính phủ Campuchia hỗ trợ dự án này vì nó phù hợp với mục tiêu thúc đẩy ngành cao su bằng cách tăng sản lượng, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính bền vững của ngành và tăng thu nhập cho nông dân.