|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

General Motors - niềm tự hào của nước Mỹ đang chới với ở miền đất hứa Trung Quốc

17:14 | 24/11/2019
Chia sẻ
General Motors (GM) - đứa con cưng của nền kinh tế Mỹ đang lao đao tại thị trường Trung Quốc, khi mà bức tranh toàn ngành công nghiệp xe hơi tại đây xám xịt, đối thủ cạnh tranh bốn bề và chiến lược kinh doanh tồn tại một lỗ hổng nghiêm trọng.

Tương lai của General Motors (GM) tại Trung Quốc đang nằm trong tay những khách hàng như ông Yang Yanjun (46 tuổi, giám đốc phụ trách mảng logistics) ở Thượng Hải. Ông Yang và gia đình sở hữu hai chiếc ô tô chạy xăng thuộc hãng Volkswagen và Audi. Hiện tại, ông đang cân nhắc chuyển sang xe điện.

3

Một trạm sạc xe điện bên ngoài đại lí của thương hiệu Buick tại Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg)

Tản bộ qua một showroom của thương hiệu Buick (thuộc GM) ở phía đông Thượng Hải, ông Yang dừng lại để chiêm ngưỡng một trong những sản phẩm xe điện mới nhất của GM, chiếc Velite 6 màu xanh nhạt được quấn quanh bởi một chiếc nơ khổng lồ và có giá chưa đầy 27.000 USD.

"Đã đến lúc thay đổi", ông Yang nói. "Chúng tôi đã sẵn sàng thử nghiệm một thứ gì đó mới mẻ hơn".

Thị trường xe hơi Trung Quốc đi xuống, vị thế của GM suy yếu

Bà Mary Barra, Giám đốc Điều hành của GM, người gần đây phải xử lí cuộc đình công của hãng tại quê nhà Mỹ, cần nhiều thay đổi như thế để kìm hãm tình trạng trượt dốc của GM ở Trung Quốc.

Bloomberg cho biết Trung Quốc - thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, đang phải trải qua đợt suy yếu kéo dài hơn một năm rưỡi, khi mà nền kinh tế giảm tốc và cuộc chiến thương mại với Mỹ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Vị thế của GM ở Trung Quốc đang cực kì suy yếu. Theo dữ liệu từ China Automotive Information Net, mặc dù Cadillac vẫn là một điểm sáng, doanh số của thương hiệu Buick và Chevrolet đã giảm mạnh, đồng thời tổng doanh số bán lẻ xe chở khách của GM cũng đã tụt 18% trong tháng 10, trong khi mức giảm chung của thị trường tỉ dân chỉ là 4%.

GM

Nguồn: Bloomberg.

"Tại Trung Quốc, môi trường kinh doanh vẫn đầy rẫy thách thức và biến động", bà Barra cho biết trong buổi công bố lợi nhuận vào tháng 10. "Chúng tôi còn nhận thấy rất nhiều áp lực về giá". CEO của GM hứa hẹn sẽ cắt giảm chi phí và cải thiện các dòng sản phẩm do hãng sản xuất.

Còn đâu thời hoàng kim của "đứa con cưng" nước Mỹ...

Thực tế đã khác xa một thập kỉ trước, khi GM còn là nhà sản xuất xe hơi nước ngoài hàng đầu trên thị trường Trung Quốc. GM từng thành lập liên doanh với nhiều đối tác địa phương như Shanghai Automotive Industry (SAIC).

Dòng xe sedan Buick New Century của liên doanh này bắt đầu rời khỏi dây chuyền lắp ráp và được tung ra thị trường vào năm 1999, hai năm sau khi GM và SAIC đặt mối quan hệ hợp tác. Dòng xe này nhanh chóng chiếm được cảm tình của các tài xế và hành khách Trung Quốc, trong đó có cả nhiều quan chức chính phủ.

Trong suốt thời kì Đại Suy thoái năm 2008, khi GM phải nhận hỗ trợ từ chính phủ Mỹ để vượt qua khó khăn, sức mạnh của thị trường Trung Quốc đã cung cấp cho niềm tự hào của nước Mỹ một tấm đệm tài chính rất cần thiết.

Vẫn đang phục hồi sau cuộc giải cứu của chính phủ Mỹ, sự thống trị kéo dài 8 năm của GM chấm dứt vào năm 2013 khi Volkswagen cướp lấy ngôi vị hãng xe hơi nước ngoài hàng đầu tại Trung Quốc.

Gần đây, GM còn khốn đốn hơn khi ngành xe hơi Mỹ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng Trung Quốc, xuất phát từ các chính sách thương mại của Tổng thống Trump đối với nước này, chuyên gia Kevin Kim của Bloomberg Intelligence viết trong một báo cáo xuất bản hôm 4/11.

Doanh số của hai trong số các sản phẩm xe khách do liên doanh SAIC và GM sản xuất, không bao gồm xe nhập khẩu và xe thương mại, đã lao dốc trong 9 tháng đầu năm 2019.

Chiến lược níu kéo vị thế của GM phụ thuộc quá nặng nề vào một nhân tố

Một phần của vấn đề đến từ các mẫu xe cũ. Chiến lược quay vòng trên toàn cầu của CEO Mary Barra phụ thuộc vào một kế hoạch đầy tham vọng, trong đó GM dự định tung ra khoảng 20 mẫu xe mới hoặc đã được cải tiến trong năm nay, bao gồm cả xe điện và xe hybrid.

GM có một loạt mẫu xe được thiết kế để níu kéo vận may tại Trung Quốc và loại bỏ một số đối thủ địa phương đang đe dọa lợi nhuận của hãng.

Giám sát hoạt động tại Trung Quốc là ông Matt Tsien, một nhân viên kì cựu của GM, người bắt đầu làm việc tại công ty vào năm 15 tuổi với vị trí thực tập sinh. Ông hiện là người đứng đầu hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của GM.

Ông Tsien đến Trung Quốc vào năm 1995 khi GM đang giai đoạn đầu đàm phán thỏa thuận với SAIC. Tsien, khi đó 35 tuổi, đang làm việc tại công ty con Delco Electronics của hãng và chính GM đã mời ông chuyển đến Trung Quốc để đảm nhận chức vụ Giám đốc Công nghệ và giúp chốt thỏa thuận với SAIC.

1

Ông Matt Tsien - Chủ tịch (President) của GM Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Tsien đã dành hai năm làm việc tại khách sạn Shanghai Holiday. "Vào thời điểm đó, không ai tưởng tượng được rằng điện khí sẽ chiếm ngôi vương trong ngành công nghiệp xe hơi", ông nói.

Ban đầu được xây dựng để vận hành nhiều hoạt động quốc tế của GM, văn phòng Thượng Hải nơi ông Matt Tsien đang làm việc lại yên tĩnh đến lạ kì. Vào năm 2013, GM đã chuyển toàn bộ nhân sự ngoại trừ nhóm Trung Quốc sang văn phòng ở Singapore.

Một tờ bướm (flyer) treo tại văn phòng nêu khẩu hiệu: Để tăng tỉ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC) thêm 1 điểm %, GM phải tăng lợi nhuận thêm 500 triệu USD hoặc giảm sử dụng vốn đi 25 tỉ USD.

Ông Tsien, người nắm giữ nhiều bằng sáng chế liên quan đến kĩ thuật hệ thống, cho hay GM sẽ hoàn thành mục tiêu sản xuất 10 mẫu xe điện mới ở Trung Quốc vào năm tới và thêm 20 mẫu khác vào năm 2023.

"Chúng tôi đặt mục tiêu tung ra nhiều sản phẩm nhất có thể", ông nhấn mạnh.

GM sẽ trưng bày chiếc Chevy Menlo - mẫu Chevrolet chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên cho thị trường Trung Quốc tại một triển lãm ô tô ở thành phố Quảng Châu từ ngày 22/11 đến 1/12.

Các mẫu khác được công bố gồm chiếc Cadillac CT5 ra mắt vào ngày 18/11 và chiếc XT6 (đã bày bán từ tháng 7).

Niềm tự hào của nước Mỹ cần phải cải thiện dòng sản phẩm của mình để theo kịp các mẫu xe mới từ những đối thủ nổi tiếng như VW, Mercedes-Benz và Toyota, cũng như các doanh nghiệp địa phương như BYD và Guangzhou Xiaopeng Motors Technology (Xpeng), đặc biệt là khi Xpeng đang được gã khổng lồ ngành thương mại Trung Quốc Alibaba Group Holding hậu thuẫn.

"Công nghệ xe hơi chạy năng lượng mới đang mở ra một cửa sổ mới cho Trung Quốc, để đất nước tỉ dân tạo một sân chơi bình đẳng với các hãng sản xuất nước ngoài và dẫn đầu thị trường toàn cầu", ông Bill Russo, CEO của công ty tư vấn Automobility, nêu rõ.

Ngoài ra GM còn phải cạnh tranh với một siêu nhà máy Gigafactory mới của Tesla tại Thượng Hải. Đây là nhà máy đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Mỹ của Tesla và hãng đang tiến hành sản xuất thử tại nhà máy này.

Hoạt động sản xuất hàng loạt dòng xe điện Tesla Model 3 dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 12. Tesla cho biết họ sẽ cho ra đời 150.000 chiếc Model 3 mỗi năm tại Thượng Hải sau ki tăng tốc giai đoạn đầu của quá trình sản xuất.

 Trung Quốc: Thị trường tiềm năng với cạnh tranh gay gắt

Trung Quốc bỏ xa mọi quốc gia khác về qui mô thị trường xe điện. Số xe điện bán được ở riêng thành phố Thượng Hải nhiều hơn số xe bán ra tại Mỹ, Anh hay Đức.

Đến năm 2032, doanh số xe điện dự kiến sẽ vượt doanh số xe động cơ đốt trong mới tại Trung Quốc, BloombergNEF dự đoán.

2

Toàn cảnh khu nhà máy của liên doanh GM - SAIC tại Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg)

GM đang cố gắng để không bị tụt lại phía sau khi mà các đối thủ liên tục thực hiện kế hoạch mở rộng mạnh mẽ dù doanh số xe hơi hiện tại giảm.

Volkswagen đã giới thiệu 14 phiên bản mới của các mẫu xe truyền thống kể từ năm 2018 và hãng xe Đức này còn dự kiến sẽ ra mắt 10 phiên bản chạy bằng điện của các mẫu xe hiện có tại Trung Quốc vào cuối năm tới.

Toyota Motor đang thành lập liên doanh với BYD (trụ sở tại Thâm Quyến) để sản xuất xe điện, trong khi Honda Motor cũng đang hợp tác với Contemporary Amperex Technology, nhà sản xuất pin lithium-ion hàng đầu Trung Quốc.

Ngay cả đối thủ yếu thế nhất của GM, Ford Motor cũng có thể sản xuất chiếc Mustang Mach-E tại Trung Quốc, CEO Jim Hackett của Ford chia sẻ với Bloomberg.

Thêm nỗi lo vì Bắc Kinh hạn chế hỗ trợ, tăng cường qui định để thúc đẩy ngành xe điện

General Motors không chỉ bị đe dọa bởi các hãng xe hơi khác, mà toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi ở Trung Quốc cũng đang nhận được ít sự hỗ trợ hơn từ Bắc Kinh.

Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn 60 tỉ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện nhằm giảm sự phụ thuộc của đất nước tỉ dân vào nguồn năng lượng nước ngoài cũng như hạn chế ô nhiễm không khí.

Bắc Kinh còn giảm thuế và trợ cấp mạnh tay cho các hãng xe điện và tài trợ cho hàng nghìn trạm sạc công cộng trên toàn quốc.

Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, thay vì phụ thuộc nặng nề vào các ưu đãi dành cho người mua xe điện, Trung Quốc đang chuyển sang sử dụng qui định để khuyến khích sự phát triển của ngành.

Vào tháng 6, Bắc Kinh đã cắt giảm trợ cấp cho người mua xe từ 75.000 nhân dân tệ (10.660 USD) đối với một loại xe chạy bằng pin xuống còn 25.000 nhân dân tệ. Doanh số xe điện kể từ đó đã giảm trong 4 tháng liên tiếp.

Cách tiếp cận mới tập trung vào một chương trình giao dịch tín dụng dự kiến có hiệu lực toàn phần vào năm 2021. Theo hệ thống này, các công ty sẽ phải tăng cường sản xuất xe điện hoặc mua điểm tín dụng từ các hãng xe khác để tránh bị phạt.

"Tất cả chính sách trên cho thấy Trung Quốc đang nghiêm túc hướng đến điện khí hóa như thế nào", ông Tsien nói. "Nhu cầu rõ ràng đã chững lại trong vài năm qua. Tôi hi vọng nó sẽ phục hồi trong thời gian tới".

Yên Khê