Nhiều hãng xe Mỹ chứng kiến doanh thu thấp kỷ lục tại Trung Quốc trong quý II vì ảnh hưởng của các đợt phong tỏa
Gã khổng lồ Ford Motor của Mỹ đã cùng đối thủ cạnh tranh General Motors báo cáo doanh số bán hàng theo quý tồi tệ nhất của mình tại Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Điều này xảy ra trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại tại Trung Quốc trong quý II, dẫn đến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, kết hợp với vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng toàn cầu đã diễn ra từ trước đó, theo CNBC.
Ford cho biết họ đã bán được 120.000 xe trong quý thứ hai, giảm khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là doanh số bán hàng tồi tệ nhất theo quý của hãng ô tô Mỹ kể từ khi công ty này bán được ít hơn 89.000 chiếc trong quý đầu năm 2020, thời điểm các hạn chế liên quan tới chính sách phòng dịch COVID-19 do chính phủ Trung Quốc áp đặt đã khiến công việc sản xuất của các hãng xe đi vào bế tắc.
Trong một thông cáo vào cuối ngày 7/7, hãng xe Ford cho biết doanh số bán hàng trong tháng 6 đã được cải thiện theo cấp số nhân với việc những hạn chế tại thị trường tỷ dân được nới lỏng, qua đó giúp doanh số bán hàng của công ty vượt quá mốc 50.000 chiếc, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và 38% so với tháng trước.
“Sự bùng phát trở lại của đại dịch trong vài tháng qua đã thách thức chúng tôi vượt qua những trở ngại về chuỗi cung ứng và hậu cần để định vị Ford tăng trưởng trong nửa cuối năm”, Anning Chen, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ford tại thị trường Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, những thách thức vẫn đang chờ đón Ford ở phía trước. Số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Trung Quốc đại lục, bao gồm cả những trường hợp không có triệu chứng, đã tăng từ một số ít trường hợp lên khoảng 200 hoặc 300 trường hợp mới trong vài ngày qua.
Theo Ting Lu, chuyên gia kinh tế về thị trường Trung Quốc tại Nomura, số lượng thành phố thực hiện giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tăng hơn gấp đôi trong một tuần lên 11 địa điểm vào đầu tuần trước, tức ngày 4/7. Trước đó, chỉ có 5 thành phố buộc phải thực hiện các lệnh giãn cách xã hội hoặc phong tỏa.
Trước đó, ông lớn General Motors cũng báo cáo doanh số hàng quý tồi tệ nhất của họ ở Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát vì các vấn đề tương tự Ford Motor. Cụ thể, nhà sản xuất ô tô tới từ Detroit cho biết họ đã bán được 484.200 tại Trung Quốc trong quý II. Con số này đã giảm 35,5% so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất kể từ mốc 461.700 xe trong quý đầu tiên của năm 2020.
Giá cổ phiếu GM đã giảm hơn 4% trong phiên giao dịch ngày 6/7. Tính rộng hơn, giá cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô này đã giảm khoảng 47% kể từ đầu năm 2022.
Trong một thông cáo, GM cho biết các thương hiệu của họ ở Trung Quốc đang “tập trung vào việc nối lại hoạt động sản xuất”. Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của công ty được công bố chưa đầy một tuần sau khi GM cảnh báo các nhà đầu tư rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh quý II của công ty.
Giám đốc tài chính Paul Jacobson tháng trước đã mô tả tình hình ở Trung Quốc trong một hội nghị nhà đầu tư của Deutsche Bank là “thách thức rõ ràng”, trích dẫn “một số vấn đề ngắn hạn mà chúng tôi phải giải quyết”.
Doanh số bán hàng của GM tại Trung Quốc bao gồm doanh số thông qua các liên doanh và các thương hiệu như Buck, Cadillac và Chevrolet nổi tiếng của hãng, tất cả đều giảm đáng kể, từ 22% đến 79%.
Tesla cũng gặp khó
Dường như các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ đều gặp khó trong quý II bởi ngoài Ford Motor và GM, một nhà sản xuất lớn khác của quốc gia này cũng chứng kiến doanh số sụt giảm trong quý vừa qua chính là Tesla. Cụ thể, doanh số bán xe điện của Tesla đã hạ nhiệt trong quý II sau ba tháng đầu năm tương đối thành công.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc này là do các đợt phong tỏa nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc, thị trường bên ngoài nước Mỹ lớn nhất của Tesla. Ngoài ra, tỷ phú Elon Musk cũng phải đau đầu tìm hướng giải quyết vấn đề cho hai nhà máy mới ở Texas và Berlin, theo Forbes.
Nhà sản xuất ô tô điện có trụ sở tại Austin cho biết họ đã giao tổng cộng 254.695 xe cho khách hàng trên toàn thế giới trong ba tháng vừa qua, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã giảm 18% so với doanh số kỷ lục 310.048 trong quý đầu tiên. Con số này cũng thấp hơn doanh số dự kiến 258.000 xe, mức trung bình của các nhà phân tích được Forbes khảo sát.
“Mục tiêu ban đầu của Tesla là giao khoảng 1,5 – 1,6 triệu xe điện trong năm nay (có thẻ lên tới 1,7 triệu xe). Tuy nhiên, con số giờ đây đã giảm xuống còn khoảng 1,4 triệu xe trong năm nay do các vấn đề tại thị trường Trung Quốc cùng với chuỗi cung ứng toàn cầu”, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush chia sẻ trong một ghi chú nghiên cứu. Ông cho biết doanh số bán xe của Tesla trong quý II "thật xấu xí và không có gì đáng để viết".