|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Được chính phủ Trung Quốc ưu ái, gọi là 'ví dụ cho sự phục hồi của ngành ô tô', Tesla thiết lập kỷ lục sản xuất trong tháng 6

11:32 | 08/07/2022
Chia sẻ
Tesla chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt phong tỏa tại Trung Quốc, nhưng cũng là đơn vị sản xuất ô tô có tốc độ phục hồi nhanh chóng nhờ mối quan hệ thân thiết với chính phủ nước này.

Tốc độ mà Tesla có thể khôi phục sản xuất ở Trung Quốc sau khi Thượng Hải bị phong tỏa đã cho thấy lợi ích của mối quan hệ giữa họ với các quan chức chính phủ, theo Asia Nikkei.

Nhà sản xuất ô tô điện của Mỹ do tỷ phú Elon Musk điều hành đã chứng kiến tốc độ và doanh số giao hàng trong quý II giảm sâu so với mức kỷ lục trong quý I. Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 6, Tesla đã ghi nhận sản lượng theo tháng cao nhất từ trước tới nay.

Những con số trái ngược chỉ trong một quý này phản ánh đúng những gì mà Tesla đã trải qua ở nhà máy tại Thượng Hải khi thành phố này thực hiện lệnh phong tỏa nhằm phòng chống dịch COVID-19.

Trong vòng vài tuần kể từ khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, Gigafactory Thượng Hải đã hoạt động trở lại hết công suất sản xuất, xuất xưởng 40.000 xe trong khoảng 7 tuần, theo đại diện Tesla Trung Quốc.

Những công nhân chăm chỉ của Tesla ở Trung Quốc không phải là lý do duy nhất đằng sau sự phục hồi nhanh chóng của Tesla tai thị trường tỷ dân này. Chính phủ Trung Quốc đã ca ngợi Tesla là một nhà sản xuất ô tô vô địch. Ngày 16/4, họ đã liệt kê các hoạt động của Tesla tại Thượng Hải là một hoạt động kinh doanh "phải mở cửa trở lại". Điều này có nghĩa là Tesla nằm trong số những công ty đầu tiên được cho phép sản xuất để tiếp tục hoạt động sau đợt phong tỏa.

Hai tháng sau, trong một cuộc họp báo quảng bá những thành tựu công nghiệp của Trung Quốc trong 10 năm qua, Xin Guobin, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, đã trích dẫn Tesla như một ví dụ về cách ngành công nghiệp ô tô ở khu vực Thượng Hải phục hồi trở lại sau đại dịch.

Xe điện Tesla xuất khẩu từ Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

"Tesla đã đầu tư hàng tỷ USD vào nhà máy của họ ở Thượng Hải để sản xuất ô tô và sản xuất pin. Do đó, tôi nghĩ rằng các quan chức Thượng Hải đã dành cho họ sự ưu tiên nhất định", Eric Harwit, Giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Hawaii cho biết.

Tesla đã công bố khoản đầu tư thêm 1,2 tỷ nhân dân tệ (180 triệu USD) vào Gigafactory Thượng Hải trong tháng 11/202, qua đó tiếp tục nâng tổng số vốn đầu tư vào nhà máy này từ nguồn vốn ban đầu rơi vào khoảng 2 tỷ USD.

Ngoài tất cả khoản đầu tư này, Trung Quốc cũng cần Tesla để khởi động thị trường xe điện trong nước. Mục tiêu của Trung Quốc vào năm 2030 là khoảng 60% xe ô tô mới bán ra thị trường sẽ là ô tô sử dụng “năng lượng mới”, bao gồm xe điện và xe hybrid.

"Đây là điểm khởi đầu để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc: Thu hút công ty hàng đầu thế giới về xe điện và để công ty đó đầu tư vào công nghệ pin do Trung Quốc sản xuất, hỗ trợ các nhà sản xuất linh kiện trong nước và quan trọng nhất là thuê nhân tài trong nước”, theo báo cáo từ Loup Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ.

Mối quan hệ win - win giữa Tesla và Trung Quốc

Miao Wei, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, người dẫn đầu các cuộc đàm phán với Tesla để thành lập nhà máy ở Thượng Hải, mô tả việc gã khổng lồ này tiến vào thị trường Trung Quốc là "thả cá da trơn vào ao". Hiểu một cách đơn giản, Tesla sẽ giúp thúc đẩy các công ty sản xuất ô tô Trung Quốc “bơi nhanh hơn” trên thị trường xe điện.

Tesla không chia nhỏ sản lượng và giao hàng theo khu vực, nhưng theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA), công ty đã giao 32.165 xe sản xuất tại Thượng Hải trong tháng 5, tăng vượt trội so với chỉ 1.512 xe trong tháng 4. Dữ liệu của CPCA cũng cho thấy gần 70% số xe sản xuất tại Thượng Hải trong tháng 5 đã được xuất khẩu, trong khi con số tương tự trong tháng 4 là 0.

Xuất khẩu hơn 22.000 chiếc xe hơi trong bối cảnh toàn thành phố bị phong tỏa không phải là nhiệm vụ đơn giản. Các quan chức hải quan Thượng Hải đã làm việc ngoài giờ vào tháng 5 để xúc tiến quá trình thông quan xuất khẩu cho Tesla, theo một báo cáo của truyền thông Trung Quốc. Thông thường, các cảng phải mất từ ​​hai đến ba ngày làm việc để thông quan một chiếc ô tô, nhưng hải quan Thượng Hải đã đẩy nhanh quá trình này nên Tesla chỉ mất một ngày.

Các quan chức Trung Quốc có lý do cho những nỗ lực không mệt mỏi như vậy. Việc rất nhiều xe sản xuất tại Thượng Hải của Tesla được xuất khẩu sang châu Âu và các nước khác "mang lại uy tín nhất định cho người Trung Quốc, điều này cho thấy họ có thể sản xuất ô tô ở Thượng Hải và sau đó bán những chiếc xe đó ra nước ngoài”, ông Harwittt nói.

Ngoài việc nhận được sự ưu ái của các quan chức chính quyền trung ương và địa phương, các kết nối chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Tesla tại Trung Quốc cũng giúp gã khổng lồ này phục hồi nhanh chóng.

Tesla hiện cung cấp hơn 90% phụ tùng xe do Thượng Hải sản xuất ở Trung Quốc. Việc nội địa hóa chuỗi cung ứng đã giúp nhà máy của công ty này có lợi nhuận cao hơn nhiều so với các Gigafactory khác.

Theo một nguồn tin trong chuỗi cung ứng cung cấp các bộ phận thân xe cho Tesla và các nhà sản xuất ô tô khác, các nhà sản xuất xe điện của Mỹ có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều nhà cung cấp địa phương.

Nguồn tin cho biết: “Đôi khi, các nhà cung cấp thậm chí còn ưu tiên các đơn đặt hàng của Tesla hơn ba nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc [SAIC, FAW và Dongfeng Motor].

Số phận của Tesla có thể thay đổi

Tuy nhiên, số phận của Tesla tại Trung Quốc không hẳn chỉ toàn màu hồng. Không có gì đảm bảo sự ưu ái của chính phủ Trung Quốc với công ty xe điện do Elon Musk điều hành sẽ kéo dài mãi mãi.

Các nhân viên quân đội và nhân viên từ một số doanh nghiệp nhà nước được cho là đã bị cấm lái xe Tesla đến một số địa điểm nhạy cảm, trong bối cảnh lo ngại về việc thu thập dữ liệu. Năm ngoái, Tesla đã đưa ra lời xin lỗi sau khi cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc gọi công ty là "kẻ kiêu ngạo" vì liên tục phớt lờ những lời phàn nàn của chủ xe về độ an toàn của phương tiện.

Việc Musk đề xuất mua lại Twitter vào đầu năm nay cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về số phận của Tesla. Nhiều người lo lắng rằng quan điểm về quyền tự do ngôn luận của Elon Musk có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Tesla tại Trung Quốc.

Dan Ives, Giám đốc điều hành của Wedbush Securities, cho biết: “Chính sách Zero-COVID của chính phủ Trung Quốc có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vì vậy, đó là mối quan tâm lớn hơn với Tesla. Một khi bạn đóng cửa mọi thứ, ngay cả khi đó chỉ là một trong những nhà cung cấp, sẽ cần thời gian để các hoạt động quay lại bình thường”.

Quốc Anh