|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gần 16% trái phiếu bất động sản không có tài sản bảo đảm

17:33 | 16/11/2021
Chia sẻ
Trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động 201.900 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. 15,8% lượng trái phiếu trong đó không có tài sản bảo đảm.

Trong báo cáo của Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá chất lượng tài sản bảo đảm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Song, câu chuyện về “bom nợ Evergrande” vừa qua đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp. 

Theo đó, nhóm phân tích cho biết loại trừ trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác khi hầu hết phát hành đều không có tài sản đảm bảo, các TPDN còn lại được phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021 có 36,2% được đảm bảo bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu; 20,4% được bảo đảm bằng bất động sản; 9,5% được đảm bảo bằng tài sản; 6,7% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 17,1% là không có tài sản đảm bảo. 

Gần 16% trái phiếu bất động sản không có tài sản bảo đảm - Ảnh 1.

Riêng trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. 

Cụ thể, nếu tính các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140.000 tỷ đồng, chiếm 67% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong 9 tháng đầu năm. 

Tỷ trọng các doanh nghiệp bất động sảnphát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành.

"Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư", SSI Research cảnh báo.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Điểm đáng chú ý khác là tỷ lệ các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết tham gia hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu là tương đối cao so với các ngành khác. 

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết chỉ khoảng 58.000 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 27% tổng TPDN bất động sản phát hành, trong khi tỷ lệ đó là 70% cho các ngành còn lại. 

"Do vậy, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là khi thị trường TPDN chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu", các chuyên gia SSI nhận định.

Nhóm phân tích cho biết đã thống kê một số chỉ tiêu về thanh khoản của những doanh nghiệp bất động sản lớn trên sàn chứng khoán, mặc dù chưa đủ để đánh giá được toàn diện rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản tham gia thị trường TPDN. 

Gần 16% trái phiếu bất động sản không có tài sản bảo đảm - Ảnh 2.

Nhìn chung, SSI Research cho rằng áp lực trả lãi và gốc TPDN từ các doanh nghiệp này là không lớn khi dư nợ TPDN chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ thanh toán hiện thời của các doanh nghiệp này cao, cho thấy các doanh nghiệp có đủ tài sản để thanh toán khoản nợ ngắn hạn sắp đáo hạn.

Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 443.100 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản với 201.900 tỷ đồng (chiếm 45,5%); sau đó đến các ngân hàng với 136.400 tỷ đồng ( chiếm 30,8%); năng lượng và khoáng sản với 21.900 tỷ (chiếm 5,0%)...

Gần 16% trái phiếu bất động sản không có tài sản bảo đảm - Ảnh 3.

Xét riêng trong quý III/2021, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu khi phát hành 85.500 tỷ đồng trái phiếu, giảm khoảng 4% so với quý II và cùng kỳ năm ngoái. 

Đặc biệt, sự kiện Evergrande cũng không làm thị trường trái phiếu bất động sản kém sôi động hơn khi chỉ tính riêng trong tháng 9 (30.400 tỷ đồng – chiếm 36% tổng lượng phát hành trong quý). Các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong quý vừa qua là Vingroup, Novaland, Osaka Garden, Hưng Thịnh Land.

Lê Huy