|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FiinGroup: Các ngân hàng thương mại mua trái phiếu của nhau, CTCK mua vào bán ra cho nhà đầu tư thứ cấp

15:37 | 13/11/2021
Chia sẻ
Theo các chuyên gia FiinGroup, trong khi các ngân hàng mua trái phiếu có thiên hướng nắm giữ thì các công ty chứng khoán sau khi mua vào đã bán ra hầu hết cho nhà đầu tư thứ cấp.

Trong 9 tháng đầu năm, quy mô trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt 430.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước mặc dù có giai đoạn chững lại sau khi Nghị định 153 và 155 có hiệu lực. Song, FiinGroup đánh giá mức tăng này chậm hơn so với 30-40% ở giai đoạn ba năm trước.

Theo các chuyên gia FiinGroup, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp rất lớn do những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 làm gián đoạn dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn vừa qua.

Tỷ trọng giá trị phát hành lớn nhất trong 9 tháng đầu năm thuộc về nhóm bất động sản với khoảng 172.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng giá trị TPDN phát hành.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị phát hành 116.000 tỷ đồng (tương đương 33% tổng giá trị TPDN phát hành), tăng 20,5% so với cùng kỳ nhằm thực hiện tăng vốn cấp 2 và cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của NHNN trước nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn từ doanh nghiệp.

Sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân trực tiếp vào các đợt phát hành sơ cấp đã giảm mạnh từ 13% ở cùng kỳ xuống mức 5,3% trong 9 tháng. Thay vào đó, các ngân hàng vẫn duy trì là nhóm trái chủ chính với 56% tổng giá trị phát hành và công ty chứng khoán chiếm 36,3%.

Theo thống kê của FiinGroup tại 29 ngân hàng thương mại, số dư TPDN tại thời điểm 30/6/2021 ở mức 403.700 tỷ đồng, tương đương giá trị TPDN của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng này cũng đang nắm giữ tại thời điểm đó.

Do đó, FiinGroup cho rằng "gần như toàn bộ TPDN phát hành bởi các ngân hàng đều đang được sở hữu bởi các ngân hàng và một số định chế tài chính khác. Điều này thể hiện sự dư thừa thanh khoản nói chung của hệ thống liên ngân hàng trong khi các ngân hàng đều có nhu cầu tăng vốn cấp 2 nhằm bổ sung năng lực nguồn vốn trung và dài hạn, tài trợ việc tái cấu trúc nợ COVID-19 vốn có kỳ hạn dài hơn và cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước".

Mặt khác, theo dữ liệu thống kê từ 382 đợt phát hành TPDN, số lượng ngân hàng tham gia trực tiếp mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường sơ cấp chiếm khoảng 23,2% lượng trái phiếu ngân hàng phát hành.

Trước đây theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu phát hành trên sơ cấp của tổ chức tín dụng khác nên các công ty chứng khoán thường đứng ra làm trung gian, mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường sơ cấp, sau đó bán lại cho các tổ chức tín dụng khác.

Hiện tại, quy định này đã được gỡ bỏ nên các ngân hàng thương mại đã có thể trực tiếp mua trái phiếu của nhau trên thị trường sơ cấp từ ngày 17/5/2021.

Các chuyên gia của FiinGroup cũng chỉ ra điểm khác biệt: Trong khi các ngân hàng mua trái phiếu có thiên hướng nắm giữ thì các công ty chứng khoán sau khi mua vào đã bán ra hầu hết cho nhà đầu tư thứ cấp.

"Do việc thắt chặt đối tượng mua từ phát hành riêng lẻ, các công ty chứng khoán đóng vai trò tư vấn, bảo lãnh phát hành và đầu tư một phần trái phiếu nhằm đảm bảo sự thành công của các đợt phát hành cho doanh nghiệp mà họ tư vấn", FiinGroup nhận định.

Dữ liệu từ Fiin Group cho thấy, tính riêng trong 6 tháng đầu năm, các công ty chứng khoán đã phân phối ra thị trường khoảng 70.000 tỷ đồng trái phiếu và chỉ duy trì số dư danh mục ở mức thấp.

FiinGroup: Các ngân hàng thương mại mua trái phiếu của nhau, CTCK mua đi bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp - Ảnh 1.

 

Ngọc Anh