|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Fed: Thương chiến với Trung Quốc vẫn là 'cơn đau tim' của ngành tài chính Mỹ

15:43 | 16/11/2019
Chia sẻ
Các thành phần tham gia thị trường, chủ ngân hàng và giới nhà đầu tư vẫn coi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là mối đe dọa ngắn hạn hàng đầu đối với sự ổn định của tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết trong một báo cáo công bố hôm 15/11.

Và với mức nợ cao ngất trời của nhiều công ty Mỹ, Ủy viên Hội đồng thống đốc tại Fed, bà Lael Brainard cũng kêu gọi cảnh giác cao độ trước những rủi ro mới nổi.

Nhìn chung, những điểm yếu trong hệ thống tài chính đã thay đổi rất ít kể từ một báo cáo trước đó vào tháng 5: giá tài sản so với thu nhập vẫn ở mức cao tại một số thị trường và hoạt động vay mượn đang tăng nhanh trong số các công ty rủi ro nhất, báo cáo chỉ ra.

Trong khi đó, tình hình tài chính của các hộ gia đình và những ngân hàng lớn nhất của Mỹ vẫn ổn định.

Báo cáo trước đó hồi tháng 5 cho biết thương mại vẫn là mối quan tâm hàng đầu.

Phần lớn những người trong ngành ngân hàng và đầu tư trên khắp thế giới đều chỉ ra thương mại là mối lo ngại hàng đầu của họ trong 12 - 18 tháng tới, với dự đoán thuế quan đánh lên hàng hoá Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được duy trì vào năm 2020 và nói rằng các khoản thuế đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ .

"Một số thành phần trong ngành cũng lo lắng về sự xấu đi trong mối quan hệ rộng lớn hơn giữa Mỹ  -Trung Quốc, bắt nguồn từ các vấn đề an ninh quốc gia và công nghệ, và tiềm năng rủi ro địa chính trị khu vực ở Hong Kong, Đài Loan và Triều Tiên sẽ làm leo thang căng thẳng song phương", báo cáo cho biết .

Theo AFP, mối lo ngại lớn thứ hai của những người tham gia được điều tra của Fed là liệu các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể phản ứng trong trường hợp suy thoái kinh tế hay không, khi lãi suất ở các nền kinh tế lớn đã rất thấp hoặc thậm chí xuống mức âm.

Báo cáo cũng một lần báo động về nợ doanh nghiệp, yếu tố theo Fed đã tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế trong phần lớn giai đoạn phục hồi kể từ vụ khủng hoảng năm 2008, một hiện tượng đã quay trở lại trong nửa đầu năm nay.

Trong trung hạn, lãi suất thấp và tiền rẻ khiến các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro và có thể làm tăng sự nhạy cảm của ngành tài chính, theo Fed.

Trong một cuộc suy thoái, việc giảm nợ doanh nghiệp trên diện rộng có thể khiến các nhà đầu tư rời trái phiếu, làm cạn kiệt thanh khoản thị trường trong phân khúc thị trường trái phiếu, theo báo cáo.

Lyly Cao