Fed có thể cắt giảm lãi suất nếu lạm phát tiếp tục gây thất vọng
Fed đã tuyên bố giữ lãi suất ổn định vào hồi đầu tháng 5 này, khi Chủ tịch Jerome Powell cho biết không có trường hợp quan trọng nào đáng để tăng hay giảm lãi suất. (Ảnh: Reuters)
Fed nên cắt giảm lãi suất nếu lạm phát không nằm trong phạm vi mục tiêu?
Khả năng không đạt được mục tiêu lạm phát 2% và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là hai thách thức về kinh tế vĩ mô lớn nhất đối với Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), ông Bullard phát biểu tại Hong Kong.
Reuters đưa tin, Fed đã tuyên bố giữ lãi suất ổn định vào hồi đầu tháng 5 khi Chủ tịch Jerome Powell cho biết không có trường hợp quan trọng nào đáng để tăng hay giảm lãi suất.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis cho hay hôm 22/5 rằng "việc cắt giảm lãi suất ngay cả khi tình hình kinh tế thực chất đang diễn ra tương đối tốt vẫn có thể giúp duy trì khả năng lạm phát đạt đúng mục tiêu đã đề ra".
"Một động thái cắt giảm lãi suất có thể trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục gây thất vọng", ông nói.
Trong những ngày gần đây, ông Bullard và Chủ tịch Fed khu vực Chicago, hai thành viên có quyền bỏ phiếu của FOMC, đều bày tỏ lo ngại về việc Fed có thể không hoàn thành mục tiêu lạm phát.
Chủ tịch Fed khu vực St. Louis James Bullard (Ảnh: Bloomberg)
Hôm nay, ông Bullard cho biết viễn cảnh lạm phát không nằm trong mục tiêu của năm 2019 đang đến rất gần.
Chủ tịch Fed khu vực St. Louis nói: "bất kì động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ nào trong tương lai cũng phải xuất phát từ dữ liệu mới, thay vì tiếp tục quá trình bình thường hóa lãi suất vốn đã dừng lại hồi đầu năm nay sau khi lãi suất tăng vọt 225 điểm cơ bản từ mức gần bằng 0".
Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm 2019.
Ông Bullard đã so sánh thời điểm hiện tại với gần hai thập kỉ trước - khi lãi suất tăng 300 điểm cơ bản trong giai đoạn đầu năm 1994 - 1995 nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn phát triển mạnh trong nửa cuối những năm 1990.
Mục đích của ông là nhằm nhấn mạnh rằng bình thường hóa lãi suất có thể thực hiện được mà không gây tổn hại đến triển vọng tăng trưởng trong một thời gian kéo dài.
Cuộc họp FOMC tiếp theo dự kiến sẽ được diễn ra vào ngày 18/6 tới.
Chủ tịch Fed khu vực St. Louis nhìn thấy tương lai xán lạn đối với Trung Quốc sau kí kết thỏa thuận với Mỹ
Ông Bullard hi vọng thỏa thuận thương mại sẽ sớm đạt được trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo rằng nếu Mỹ - Trung không kí kết được thỏa thuận và với những rào cản đã được dựng lên và duy trì giữa hai nước, mô hình giao dịch toàn cầu trong trung hạn sẽ thay đổi.
Các tranh chấp thương mại chưa được giải quyết khác và lạm phát dưới mức mục tiêu cho thấy FOMC cần phải thật cẩn trọng trong việc giúp duy trì sự phát triển của nền kinh tế.
Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, Trung Quốc nên đồng thuận với tất cả mọi thứ mà họ được yêu cầu trong thỏa thuận bởi điều đó sẽ dẫn đến sự bùng nổ kinh tế trong nước.
"Thỏa thuận sẽ thiết lập uy tín về thương mại cho Trung Quốc. Đồng thời, nó còn giúp trấn an các nhà đầu tư rằng họ có thể đổ vốn vào Trung Quốc và được đối đãi phù hợp. Nếu điều đó diễn ra, tôi nhìn thấy một tương lai xán lạn cho nền kinh tế Trung Quốc", ông Bullard nói.
"Không chỉ Mỹ mới nghi ngờ về uy tín của Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư toàn cầu cũng xem đất nước tỉ dân là nơi khó kinh doanh làm ăn".
Tại một sự kiện ở Hong Kong, ông Bullard đã nói thêm về việc Trung Quốc bán số lượng lớn trái phiếu nắm giữ trong Kho bạc Mỹ. Theo đó, ông không cho rằng đây là mối đe dọa lớn bởi Trung Quốc khó lòng tráo đổi trái phiếu Kho bạc với các tài sản khác.