|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc: Chúng tôi khổ sở vì thuế quan

08:34 | 22/05/2019
Chia sẻ
Đợt tăng thuế quan mới nhất của Tổng thống Donald Trump và kế hoạch trả đũa của Bắc Kinh đang gây ảnh hưởng xấu đến các công ty Mỹ ở đất nước tỉ dân.
Doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc: Chúng tôi khổ sở vì thuế quan - Ảnh 1.

Đợt tăng thuế quan mới nhất của Tổng thống Donald Trump và kế hoạch trả đũa của Bắc Kinh đang gây ảnh hưởng đến các công ty Mỹ ở đất nước tỉ dân. (Ảnh: Reuters)

Theo báo cáo được công bố hôm 22/5 bởi Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải và Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh, gần ba phần tư (tương đương 74,9%) trong số gần 250 người tham gia cuộc khảo sát được tổ chức trong khoảng thời gian 16/5 - 20/5 cho biết, việc tăng thuế quan của Mỹ và Trung Quốc có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp của họ.

"Tác động tiêu cực của thuế quan là rất rõ ràng và đang làm tổn thương khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc", nhóm doanh nghiệp trên cho hay.

Chính quyền Trung Quốc dường như cũng khiến cho hoạt động của một số công ty trở nên khó khăn hơn, theo CNBC.

Khoảng 1/5 cho biết, họ bị kiểm tra nhiều hơn và gặp phải tình trạng thông quan chậm chạp hơn.

Bên cạnh các rắc rối khác từ hoạt động giám sát hành chính hay kiểm tra theo qui định, khoảng 14% doanh nghiệp cho hay việc phê duyệt giấy phép hoặc hồ sơ đã chậm hơn trước.

Trong số những doanh nghiệp tham gia khảo sát, 61,6% liên quan đến sản xuất; 25,5% làm việc trong ngành dịch vụ; 3,8% thuộc ngành bán lẻ và phân phối; và 9,6% đến từ ngành công nghiệp khác.

Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đã tiến gần đến một thỏa thuận, nhưng rồi hi vọng bị dập tắt hồi đầu tháng này.

Mỹ đã chính thức tăng thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào ngày 10/5. Trung Quốc cũng phản pháo một vài ngày sau đó bằng mức thuế quan trong khoảng 5 - 25% đối với 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/6.

Theo khảo sát chung nói trên của hai Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, tác động lớn nhất của thuế quan kết hợp là làm giảm sút  nhu cầu đối với sản phẩm, theo sau là tăng chi phí sản xuất.

Khoảng 35% doanh nghiệp tham gia khảo sát đang tái cơ cấu hoạt động tại Trung Quốc để tiếp cận thị trường nước này bằng cách tăng nguồn cung hoặc sản xuất trong nước. Khoảng một phần ba lại cho biết họ đang trì hoãn hoặc hủy bỏ quyết định đầu tư ở đất nước tỉ dân.

Chỉ 10% cho biết, họ dự định nộp đơn xin miễn trừ thuế quan từ Trung Quốc, trong khi 15,1% cho biết họ sẽ xin miễn trừ thuế quan từ phía Mỹ. Phần đông còn lại chưa chắc chắn về bước đi tiếp theo hoặc sẽ không nộp đơn.

Trần Nam Thi